Nhưng ở ngôi trường huyện miền núi THPT Tân Kỳ (Nghệ An), công tác tham vấn học được lại có sự tham gia của học sinh.
Nhu cầu được tham vấn tâm lý của HS
Đề tài về thực trạng và giải pháp hoạt động tham vấn tâm lý trong trường phổ thông được Xuân Việt và Thùy Linh (HS Trường THPT Tân Kỳ, Nghệ An) triển khai trong 6 tháng.
Trong thời gian này, các em thu về nhiều “kết quả” đặc biệt. Qua khảo sát của Việt và Linh chỉ có gần 3% học sinh cho rằng hoạt động tham vấn rất hiệu quả, 10% đánh giá hiệu quả. Trong khi có tới hơn 50% học sinh đánh giá thiếu hiệu quả, và 36% cho rằng không có hiệu quả.
Trái ngược với con số trên, nhu cầu được tham vấn tâm lý của học sinh lại rất lớn. Nguyễn Xuân Việt chia sẻ: Từ bài test chúng em đưa ra, số học sinh gặp áp lực từ xã hội, gia đình, nhà trường nhiều. Những biểu hiện stress về tâm lý, tinh thần như vậy ảnh hưởng rất lớn đến quá trình học tập và tâm sinh lý.
“Nhiều bạn rơi vào chán nản, tuyệt vọng, không có động lực học tập. Thậm chí có bạn thấy khó khăn khó khăn trong việc thiết lập và xử lý các mối quan hệ gia đình và xã hội. Từ đó dẫn đến những hành vi tiêu cực, và không có những can thiệp kịp thời, cuộc sống các bạn sẽ hoàn toàn rơi vào bi kịch...”, Việt nói.
Thầy Đậu Minh Nghĩa (GV Trường THPT Tân Kỳ) là người hướng dẫn Việt và Linh thực hiện đề tày này cũng cho hay, kết quả qua khảo sát 150 học sinh ở cả 3 khối lớp khiến thầy bất ngờ và trăn trở. Số học sinh có biểu hiện tâm lý tiêu cực nặng và rất nặng chiếm 11.33%. Đây là con số báo động. Bên cạnh đó, số học sinh mất hứng thú trong học tập cũng chiếm tỷ lệ 15.33%.
“Tôi thấy lo lắng khi hiện nay chịu khá nhiều áp lực, từ gia đình, bố mẹ và từ chính việc học của mình. Có lẽ cũng không nên nặng về vấn đề thi đua, điểm số để không tạo áp lực với học trò. Nhất là học sinh học khá giỏi lại có nguy cơ trầm cảm, học hành sa sút do chịu sự kỳ vọng quá lớn từ phụ huynh. Từ thực tế này, chúng tôi muốn có giải pháp để phát hiện sớm những suy nghĩ tiêu cực của học trò và hướng các em đến hoạt động ngoại khóa, vui chơi và để các em hào hứng với việc học”, thầy Nghĩa chia sẻ.
Đổi thay từ người trong cuộc
Nguyễn Thùy Linh nhớ lại, khi bắt đầu thực hiện dự án, thầy Đậu Minh Nghĩa – với vai trò người hướng dẫn cũng lo ngại. Bởi đề tài “tư vấn tâm lý” rộng và quá tầm với học sinh trung học. Về phía thầy cũng chỉ thực hiện tư vấn trong phạm vi chuyên môn Giáo dục công dân và kinh nghiệm sư phạm hơn 20 năm của mình. Sau khi trao đổi với thầy, hai bạn đã lựa chọn hình thức tham vấn thay cho tư vấn.
“Với hình thức này, chúng em thấy tự tin hơn vì đó là quá trình chủ động phát hiện, giúp đỡ các bạn có khó khăn về tâm lý. Có thể vấn đề trong cuộc sống mà các bạn gặp phải vẫn ở đó và chưa giải quyết được. Nhưng chúng em có thể giúp bạn nhận được sự chia sẻ, đồng cảm từ người cùng trang lứa”, Linh cho biết.
Trong thời gian triển khai, Linh và Việt đã tự lên kế hoạch và đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện. Thành công nhất chính là được nhà trường tin tưởng và chọn làm thành viên trong tổ tư vấn của trường.
Trong đó, Việt được chọn để cùngtham vấn giáo dục kỹ năng, ứng xử văn hóa, chống bạo lực và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Còn Linh nhận vai trò trong tình huống ứng phó vấn đề phát sinh trong mối quan hệ gia đình, thầy cô, bạn bè và các mối quan hệ xã hội khác.
Hai bạn cũng thiết kế hòm phiếu “điều em muốn nói” và kiểm đếm hằng ngày. Sau đó trực tiếp hoặc nhờ thầy cô giáo phân loại lĩnh vực tham vấn. Từ kết quả phân loại, xác định mức độ ưu tiên của từng vấn đề và quyết định hình thức hỗ trợ như tư vấn riêng với học sinh, tư vấn với phụ huynh…
Không chỉ trực ở phòng tư vấn học đường, Linh và Việt đã thành lập câu lạc bộ tham vấn học đường “đồng hành cùng bạn” để thu hút nhiều học sinh cùng tham gia. Từ đó tăng thêm cơ hội chia sẻ và đồng hành với những bạn học có vướng mắc về tâm lý.
Cũng theo chia sẻ của 2 bạn, khi mới được đưa vào tổ tư vấn của trường, nhiều thầy cô lo ngại 2 bạn khó thực hiện được nhiệm vụ. “Nhưng thực tế chúng em cũng có những ưu thế riêng như cùng lứa tuổi nên nắm bắt được tâm lý, suy nghĩ của tuổi học trò, biết được vì sao học sinh chán nản trong học tập… Đứng từ góc nhìn của người trong cuộc, chúng em sẽ đưa ra những quan điểm riêng để tư vấn cho các bạn và cho cả phụ huynh”, Việt tự tin.