Nỗ lực đưa nghệ thuật chèo đến khán giả

GD&TĐ - Bắt đầu từ tháng 6/2017, chiếu chèo Hà Nội sẽ sáng đèn tất cả các buổi diễn thứ 7 ở rạp Đại Nam (89 phố Huế). Đây là một nỗ lực lớn của các nghệ sĩ nhằm phát huy giá trị sân khấu truyền thống, đưa nghệ thuật chèo đến với đông đảo khán giả.

Nỗ lực đưa nghệ thuật chèo đến khán giả

Điểm nhấn từ “Hà Nội đêm thứ 7”

Đến với chuỗi chương trình “Hà Nội đêm thứ 7”, khán giả không chỉ được thưởng thức các tác phẩm chèo như các vở chèo cổ, chèo hiện đại, các đêm biểu diễn CLB với các trích đoạn chèo, hài, hầu văn... và nghệ thuật truyền thống khác, mà còn được giao lưu với các nghệ sĩ sau đêm diễn.

NSND Thúy Mùi, Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội cho biết: “Từ đầu năm 2017, ban lãnh đạo và nghệ sĩ Nhà hát đã chuẩn bị cho “Hà Nội đêm thứ 7”, chọn kịch mục kỹ càng bảo đảm chất lượng nghệ thuật cao; trang phục, đạo cụ chỉn chu, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của những khán giả khó tính nhất”.

Hiện tại, Nhà hát đã lên kịch mục phủ kín ba tháng tới (tháng 6, 7 và 8) với những tác phẩm vốn rất nổi tiếng của Nhà hát, từng được trao Huy chương Vàng trong nhiều cuộc thi. Trong số này, các trích đoạn như: “Mưu cao Thị Hến”, “Bà già lên thành phố”, “Gia đình văn hóa”, “Chuyện nhà Bá Kiến”… được các nghệ sĩ trong CLB của Nhà hát diễn vào tối 3/6; vở chèo cổ “Quan âm Thị Kính” được giới thiệu vào tối 10/6; vở “Nàng thứ phi họ Đặng” vào tối 1/7; vở “Ngọc Hân công chúa” vào tối 8/7; diễn xướng hầu đồng vào tối 15/7, vở “Nàng Sita” vào tối 5/8; vở “Chuyện tình trên bến Nam Xang” vào tối 12/8…

“Hà Nội đêm thứ 7” quy tụ sự góp mặt của hơn 150 diễn viên của Nhà hát, trong đó có những tên tuổi nổi tiếng trong làng chèo Việt Nam như: NSND Thúy Mùi, NSND Quốc Anh, NSƯT Thu Huyền, NSƯT Minh Nhan, NSƯT Ngọc Ánh, NSƯT Đức Thuận, NSƯT Thanh Loan…

Ngoài việc diễn những vở dài, Nhà hát lên kế hoạch cho CLB thực hiện ít nhất mỗi tháng một buổi diễn những trích đoạn chèo nổi tiếng. Tại buổi sinh hoạt này, khán giả sẽ được giao lưu với các nghệ sĩ, có thể hát cùng nghệ sĩ những trích đoạn chèo mà mình yêu thích.

Xây dựng một sân chơi nghệ thuật

NSND Thúy Mùi tâm sự, chị và nhiều nghệ sĩ tâm huyết với chèo nhận ra rằng nhiều năm qua, bộ môn nghệ thuật truyền thống này chưa tạo sự gần gũi với khán giả và đã đến lúc cần phải “chuộc lỗi” với người yêu chèo.

Giữa lúc nhiều bộ môn nghệ thuật sân khấu khác đều gặp khó khăn về điểm diễn thì chèo Hà Nội có hẳn rạp Đại Nam, có trong tay 3 đoàn diễn với số lượng nghệ sĩ đông đảo, kịch mục lại sẵn khoảng 20 vở… Vì thế việc còn lại của đơn vị này là làm sao để kéo được khán giả mua vé đến rạp. Đó là lý do cho sự ra đời của “Hà Nội đêm thứ 7” - chương trình được kỳ vọng sẽ trở thành “địa chỉ đỏ” của sân khấu Thủ đô.

Trước mắt, Nhà hát sẽ cố gắng duy trì lịch diễn nhằm tạo một địa chỉ văn hóa nghệ thuật truyền thống thường xuyên cho khán giả Thủ đô. Khi các chương trình thường xuyên đã định hình, ổn định, Nhà hát sẽ kết hợp với các công ty lữ hành để giới thiệu rộng rãi hơn địa chỉ này tới du khách. Nhà hát Chèo Hà Nội hy vọng rằng “món ăn truyền thống” được thay đổi thường xuyên trong từng tuần sẽ tạo nên “thực đơn” nghệ thuật phong phú, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả trong và ngoài nước. Theo NSND Thúy Mùi, việc làm cho khán giả yêu chèo, hiểu chèo là cần thiết.

NSND Thúy Mùi chia sẻ: “Khán giả hiện nay nhiều người còn chưa hiểu chèo. Không hiểu thì không thể thích, yêu được. Lỗi này một phần là do chúng tôi một thời gian dài không có sự tương tác với khán giả. Để xây dựng đội ngũ khán giả trẻ hiểu và yêu chèo, Nhà hát chèo Hà Nội đã có các dự án tìm hiểu về chèo tại các trường học phù hợp theo từng độ tuổi, từng cấp học. Qua đó, chúng tôi nhận thấy các em khi hiểu rồi lại rất thích chèo”.

Theo NSND Thúy Mùi, chương trình sinh hoạt này một phần nhằm giúp khán giả trong nước và khách quốc tế giao lưu, kết nối với nghệ thuật chèo, từ đó hiểu hơn về giá trị của nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ