Đưa karaoke di động vào Nghị định mới?

GD&TĐ - Ngày 17/10 tại Đà Nẵng, Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã tổ chức “Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường”. Sự ra đời của Nghị định mới sẽ tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý và kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường khắc phục những hạn chế lâu nay.  

Dịch vụ “karaoke di động” vào tầm ngắm của các nhà quản lý văn hóa
Dịch vụ “karaoke di động” vào tầm ngắm của các nhà quản lý văn hóa

Cần điều chỉnh, sửa đổi

Dự thảo Nghị định về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường của Bộ VH,TT&DL đã nhận được sự ủng hộ của các cơ quan quản lý và đông đảo người dân. Bộ VH,TT&DL cho biết: Quá trình quản lý dịch vụ karaoke, vũ trường đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, không đáp ứng được tình hình phát triển kinh tế của đất nước, cũng như chủ trương của Đảng và Chính phủ về cải cách hành chính, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh.

Các quy định về điều kiện chưa rõ ràng, gây khó khăn cho việc kinh doanh của doanh nghiệp và quản lý của cơ quan Nhà nước; Hoạt động karaoke, vũ trường chưa có khái niệm pháp lý rõ ràng đã tạo ra biến tướng để lách luật như biểu diễn nghệ thuật, hát, nhảy múa tại phòng thu âm, tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống: Nhà hàng, quán bar... Bên cạnh đó, các trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp giấy phép đã có cải cách nhưng vẫn còn thiếu quy định về việc cấp sửa đổi, bổ sung, cấp lại; Công tác thanh tra, kiểm tra mặc dù được quan tâm, nhưng vẫn còn nhiều cơ sở sai phạm, không có giấy phép hoặc không đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh. Vì vậy, cần có sự điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung trong việc quản lý hoạt động văn hóa này.

Xuất phát từ những lý do nêu trên, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức “Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường” nhằm đưa ra cơ sở pháp lý cho công tác quản lý và thống nhất thực hiện theo các quy định của pháp luật, đồng thời khắc phục những hạn chế, tồn tại hiện nay.

Phát biểu tại hội thảo, bà Ninh Thị Thu Hương – Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - Bộ VH,TT&DL cho biết: "Hội thảo nhằm lắng nghe ý kiến góp ý, phân tích, đề xuất... của các đơn vị, lãnh đạo ngành văn hóa về những gì phù hợp và chưa phù hợp, đồng thời đưa ra các giải pháp tốt nhất. Sau đó, Cục Văn hóa cơ sở sẽ tổng hợp ý kiến, báo cáo lãnh đạo Bộ, sau điều chỉnh lại Nghị định cho phù hợp. Theo bà Hương, Nghị định càng cụ thể, càng rõ ràng, người dân càng dễ thực hiện.

Tăng cường kiểm soát loại hình mới

Góp ý cho Nghị định, tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, tiếng ồn của các quán karaoke ảnh hưởng đến nhà dân xung quanh, vì vậy cần có quy định về độ ồn.

Ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Đà Nẵng nêu ý kiến về việc sử dụng các bài hát. Ông cho biết: “Trong Điều 14, chương III quy định chỉ sử dụng các bài hát trong danh mục được phổ biến, lưu hành. Theo tôi, quy định này chưa rõ ràng, bởi nếu sau này có chế tài khác liên quan đến vấn đề sử dụng bài hát mà dẫn đến chấm dứt hoạt động kinh doanh thì “oan” cho doanh nghiệp. Đây là vấn đề cơ quan bản quyền tác giả cần xử lý. Bộ VH,TT&DL cần có quy định cụ thể để địa phương có cơ sở, hành lang pháp lý, xử lý tốt các vụ việc khi xảy ra”.

Cùng chung quan điểm, ông Trương Bá Trạng, Phó Giám đốc sở VH,TT&DL tỉnh An Giang cho rằng: “Cần có quy định cụ thể về các bài hát, tác phẩm cho các quán karaoke, càng cụ thể, rõ ràng người dân càng dễ thực hiện. Bên cạnh đó, trong điều 14, chương III không cung cấp dịch vụ vũ trường cho người chưa đủ 18 tuổi cũng không khả thi. Ông Trạng đưa ra dẫn chứng tại An Giang hiện nay đang phát sinh loại hình kinh doanh mới: Karaoke di động. Người kinh doanh “karaoke di động” có thể kéo xe đi khắp phố phường. Vậy thì “Karaoke di động” có nằm trong diện quản lý không? Có cấm không?

Nói về loại hình “karaoke di động” mới xuất hiện, bà Ninh Thị Thu Hương cho biết: “Hiện nay trên các văn bản không có định nghĩa hình thức “karaoke di động”, nên không thuộc quản lý của ngành văn hóa. Nên kiếm một cái tên khác cho phù hợp chứ không phải là karaoke... và để cho các cơ quan khác và địa phương quản lý”.

Bàn về vấn đề “karaoke di động”, ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Phú Thọ, không đồng tình với ý kiến của bà Hương. Ông Thủy giải thích: “Đây là một loại hình karaoke mới, có thu tiền, vì vậy cũng nên đưa vào dự thảo Nghị định, nên cập nhật từ đời sống vào Nghị định”.

Xung quanh vấn đề này còn nhiều ý kiến tranh cãi. Hạn lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường sẽ đến hết ngày 24/11/2018.

Dự thảo quy định về điều kiện, trách nhiệm tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ karaoke và quy trình thông báo kinh doanh dịch vụ karaoke. Trong đó đã cắt giảm một số điều kiện và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ karaoke so với quy định tại Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ.

Đồng thời cắt giảm thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh karaoke, thay thế bằng thủ tục thông báo kinh doanh dịch vụ karaoke và tăng cường quản lý Nhà nước bằng phương pháp hậu kiểm.

Đối với kinh doanh dịch vụ vũ trường: Thủ tục cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ vũ trường đã được hoàn thiện, đảm bảo minh bạch, xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân và tổ chức thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.