Tuy nhiên, đây mới chỉ là viên gạch đầu tiên trên con đường bảo vệ bản quyền tác giả còn nhiều khó khăn phía trước.
Siết chặt thu phí tác quyền
Hiện nay, trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ có sử dụng âm nhạc như quán bar, phòng trà, quán café, phòng karaoke… những lĩnh vực mang lại nguồn thu cao nhất nhưng cũng là lĩnh vực có mức “thất thu” lớn nhất.
Hiện chưa có con số thống kê cụ thể số lượng đơn vị sử dụng âm nhạc để kinh doanh dịch vụ trong cả nước, nhưng thực tế, số thu từ hoạt động kinh doanh này vẫn khá khiêm tốn bởi tâm lý thích “xài chùa”, lách luật của những người sử dụng tác phẩm âm nhạc đã góp phần khiến công tác thu phí tác quyền âm nhạc còn gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Trần Chiến Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) cho biết, việc vi phạm bản quyền tác giả ở các trung tâm karaoke trong xã hội hiện nay gần như tràn lan, không kiểm soát được.
Nghĩa là các trung tâm hoạt động trong lĩnh vực này chỉ việc mua các thiết bị đầu phát rồi vô tư cập nhật các bài hát mới để phục vụ khách hàng, thu lợi nhuận mà không cần quan tâm tới ai là người đã làm ra các sản phẩm đó.
Chỉ rất ít trung tâm có ý thức chi trả tác quyền nhưng cũng chỉ theo “gói” hàng năm, chung chung và không biết được là chi trả cho tác phẩm nào trong khoảng 3.000 tác phẩm ca nhạc thường được sử dụng ở các trung tâm hát này. Vì thế, việc đưa các hoạt động này vào đúng theo quy định là điều hết sức khó khăn.
Vừa qua, (ngày 1/3), ông Trần Chiến Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam RIAV, đã ký quyết định về việc giao quyền cho Trung tâm Cấp phép và quản lý quyền trực thuộc RIAV sẽ đại diện RIAV thu phí. Theo đó, mức phí được áp dụng là 2.000 đồng/bài hát/đầu máy karaoke trong thời hạn một năm.
Việc buông lỏng công tác bảo vệ bản quyền tác giả đã diễn ra quá lâu. Nhiều khi người vi phạm cứ vô tư sử dụng các sản phẩm trí tuệ của người khác để kinh doanh mà không nghĩ mình phải chia lợi nhuận bản quyền.
Vì vậy, ngoài việc cam kết cần tuyên truyền để nâng cao ý thức trong việc sử dụng, trả phí tác quyền, việc này vừa minh bạch, vừa giúp chính các tác giả có thêm nguồn thu để nuôi dưỡng khả năng sáng tạo, tiếp tục cống hiến.
Còn nhiều gian nan
Theo Điều 41 Luật Sở hữu trí tuệ quy định, các trường hợp sử dụng trực tiếp, gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố tại nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke phải thanh toán thù lao và các quyền lợi vật chất khác cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình theo thỏa thuận.
Việc cho phép quảng cáo tạo doanh thu để chi trả phí tác quyền là hình thức tiên tiến, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Việc này không chỉ đem lại sự công bằng cho tác giả mà còn phân biệt được các tác giả với nhau.
Nếu một bài hát trong đầu karaoke được sử dụng nhiều, bản quyền tác giả sẽ nhận được nhiều và ngược lại. Thay vì tất cả các tác giả đều được trả bản quyền bằng nhau như trước kia. Tuy nhiên, những “vướng mắc” về quyền sở hữu các bài hát karaoke vẫn là bài toán khó.
Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn - Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm và Liên Danh -cho biết: “Các tụ điểm, trung tâm kinh doanh karaoke không ý thức được bản quyền. Họ cho rằng họ đã trả tiền mua băng đĩa rồi thì vì sao lại trả nữa”?
Bà Trương Thị Thu Dung, Phó Chủ tịch Thường trực RIAV, cho rằng việc này gian nan và đụng chạm đến lợi ích của nhiều nơi. Nhưng RIAV vẫn quyết làm để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các chủ sở hữu là các hội viên và các chủ thể đã ủy thác tác phẩm của mình cho hiệp hội.