Gia đình quan tâm đến việc học của con em
Lớp 1B của cô Đinh Ái Nga (SN 1982, giáo viên Trường PTDTBT cấp 1, 2 Măng Bút II, xã Măng Bút, huyện Kon Plông, Kon Tum) có 18 học sinh. Thế nhưng chỉ có 4 em là gia đình thoát nghèo, còn 14 học sinh vẫn thuộc diện hộ nghèo tại địa phương.
Cô Nga tâm sự, từ ngày tốt nghiệp ra trường cô đã luân chuyển, giảng dạy ở nhiều địa phương khác nhau. Tuy nhiên, một phần vì cuộc sống khó khăn, quanh năm làm nương rẫy nên các bậc cha mẹ ít có thời gian quan tâm đến việc học của con em mình. Thế nhưng, ở mảnh đất Măng Bút phụ huynh đặc biệt quan tâm và chú trọng việc học của con cái.
“Tuy đời sống còn nhiều khó khăn nhưng các bậc phụ huynh rất quan tâm và thường xuyên phối hợp với nhà trường để động viên con em ra lớp. Với những em học sinh cấp 2 gia đình cũng không yêu cầu con phải lên nương, rẫy phụ giúp vào vụ mùa như ở nhiều địa phương khác. Điều này giúp các em có thời gian và điều kiện học tập tốt hơn. Đồng thời giáo viên cũng bớt vất vả trên hành trình vận động học sinh ra lớp”, cô Ái Nga bộc bạch.
“Học sinh nơi đây chủ yếu là người Xơ Đăng nên giáo viên chú trọng việc dạy tiếng Việt. Do đó, đối với môn tự chọn tiếng Anh khó có thể triển khai. Mình và giáo viên vùng sâu luôn cố gắng, nỗ lực giúp học sinh tiếng thu kiến thức nhanh chóng. Đặc biệt, tri thức sẽ giúp các em bớt vất vả hơn trong cuộc sống sau này”, cô Nga nói.
Theo cô Nga, mặc dù được quan tâm nhưng kết quả học tập của học sinh chưa cao. Bởi các em vẫn còn giao tiếp bằng tiếng bản địa khi ở nhà với gia đình. Vừa qua, để nắm bắt và đánh giá kết quả học tập cô Nga dựa vào việc tiếp thu kiến thức của các em trên trường lớp. Cụ thể đánh giá học sinh thông qua việc nhẩm đánh vần hoặc đọc viết và sự tự tin, mạnh dạn trong học tập. Qua đánh giá giữa kì, cô Nga nhận thấy có một số học sinh đã đọc, viết tốt.
Trong quá trình dạy học, cô Nga cũng tổ chức các hoạt động ngoại khoá cho học sinh thông qua việc chơi trò chơi, tìm hiểu về văn hoá lịch sử dân tộc bằng tranh, ảnh và video…
Y Bảo Trâm, học sinh lớp 1 cho hay, gia đình có 2 chị em và đều trong độ tuổi đến trường. Được đến trường học chữ, vui chơi với các bạn Bảo Trâm thấy rất vui và hạnh phúc.
“Em thích đi học lắm, được gặp cô và các bạn nên rất vui. Lớn lên em muốn làm bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người. Do đó em sẽ cố gắng học thật giỏi”, em Y Bảo Trâm bộc bạch.
Đưa học sinh lớp 3 về trường chính
Học sinh vùng sâu, vùng xa tuy còn nhiều khó khăn nhưng vẫn cố gắng, quyết tâm vượt khó đến trường. |
Thầy Nguyễn Văn Đức, Hiệu trưởng Trường PTDTBT cấp 1, 2 Măng Bút 1 (xã Măng Bút, huyện Kon Plông, Kon Tum) cho biết, năm học 2022-2023 toàn trường có 422 học sinh. Trong đó bậc Tiểu học là 249 em, THCS là 173 học sinh với 5 điểm trường thôn.
Năm học này, lớp 3 thực hiện chương trình GDPT 2018 do đó Trường PTDTBT cấp 1, 2 Măng Bút 1 đưa các em ở điểm thôn ra trường chính học tập. Theo đó, các em ra lớp từ thứ 2, đến chiều thứ 6 mới về với gia đình. Bởi theo thầy Đức, nhà trường không đủ điều kiện để đưa thiết bị máy móc vào từng điểm thôn. Bên cạnh đó, những điểm trường làng chủ yếu là lớp ghép với số lượng học sinh ít nên việc đưa các em ra trường chính sẽ đảm bảo cho việc dạy và học.
“Khi ra trường chính các em được học tập, ăn uống và ngủ lại khu bán trú. Tại đây các em được tiếp cận máy móc, trang thiết bị hiện đại. Từ đó, đảm bảo việc thực hiện chương trình GDPT 2018 bắt buộc với môn Tin học và tiếng Anh”, thầy Đức nói.
Vị Hiệu trưởng cho hay, cuộc sống người dân nơi đây chủ yếu là tự cung, tự cấp. Theo đó, bà con sống nhờ vào ruộng nương, rẫy mì… và bắt cá ở sông suối làm thức ăn. Dù thiếu thốn là thế nhưng người dân rất chú trọng và tạo điều kiện để con em được đi học.
“Thấu hiểu sự khó khăn của học sinh nơi đây, nhà trường thường xuyên kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ, giúp đỡ những em khó khăn. Từ đó tạo điều kiện để các em vươn lên trong cuộc sống để tương lai bớt vất vả hơn”, thầy Đức nói.