Đưa chợ ra phố

GD&TĐ - Việc tổ chức bán các mặt hàng thiết yếu cho dân vùng dịch đang áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 sao cho an toàn đã và đang là bài toán mà nhiều tỉnh, thành phố luôn phải đi tìm lời giải.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Chính vì loay hoay với việc giải quyết mâu thuẫn giữa “dân không bị thiếu lương thực thực phẩm” với “không tập trung đông người để đi chợ” đã dẫn đến những hệ luỵ mà các tỉnh, thành phố phía Nam đang phải trả giá.

Vì chỉ cần nghe nói đến việc vài hôm nữa sẽ áp dụng giãn cách là y như rằng, dân đổ dồn về các chợ và siêu thị để mua đồ tích trữ, bất chấp những khuyến cáo của nhà chức trách là làm như thế sẽ dễ lây lan dịch bệnh. Người dân thừa biết, việc bu đen xúm đỏ như vậy là tác nhân chính của lây dịch Covid-19, song họ không có cách chọn lựa nào khác hơn.

Ở thành phố Nha Trang, sau khi phải trả giá cho việc đổ dồn về các siêu thị để mua hàng tích trữ cách nay một tháng khiến số người mắc Covid-9 lên đến trên 3 nghìn thì mới đây, chính quyền cơ sở đã thay đổi cách làm, đang được người dân ủng hộ. Phường Phương Sài, TP Nha Trang đi tiên phong trong câu chuyện áp dụng giãn cách triệt để mà vẫn không thiếu lương thực thực phẩm này.

Trước khi thành phố Nha Trang tiếp tục gia hạn giãn cách theo Chỉ thị 16 với mức độ nghiêm ngặt hơn, chính quyền phường Phương Sài đã thành lập tổ “đi chợ giúp dân” gồm các hội đoàn thể trong phường.

Nhưng thay vì vào siêu thị như những lần trước rất dễ lây dịch thì họ chọn một tuyến phố trong phường để làm chợ. Người bán cũng vẫn là những khuôn mặt thường bán rau, bán thịt ở chợ Phương Sài trước khi có dịch, có điều thay vì vào chợ chật chội, nay mang ra giữa phố rộng rãi và thoáng đãng.

Các vạch vôi được kẻ rõ ràng, khoảng cách luôn an toàn giữa người mua và người bán. Để khỏi tiếp xúc gần, ai mua xong thì cứ bỏ tiền vào một chiếc rổ để sẵn, tự lấy luôn tiền thối. Bên cạnh là một chai cồn, mua xong là sát khuẩn tay ngay.

Tất tật đều làm theo khuôn khổ đã “lập trình” sẵn như thế. Người bán hàng cũng không nói thách như lúc bán ở chợ cũ, người mua cũng không phải trả treo, chỉ việc nhìn vào bảng giá, cứ thế mà lấy hàng bỏ vào giỏ, đảm bảo số lượng lương thực, thực phẩm mà người dân đã gửi cho “tổ đi chợ giúp dân”.

Một cân rau dền trước khi có dịch vẫn 8 - 10 nghìn, thì nay vẫn thế. Thịt và các loại rau đậu cũng thế, không tăng một đồng nào nên dân rất an tâm về khoản “chặt chém”.

Người bán hàng ở chợ vẫn có thu nhập hàng ngày trong những ngày giãn cách mà người dân cũng không thiếu lương thực, thực phẩm. Dịch Covid-19 cũng khó có cơ hội để lây lan qua mô hình mang chợ ra phố này.

Tiếp theo Phương Sài, ngay ngày hôm sau (24/8) đã có 3 - 4 phường trong thành phố hình thành dạng chợ này.

Thực ra dạng chợ theo hình thức trên đây không mới. Ở Myamar và một vài nước khác họ đã làm cách đây một năm rồi. Tuy nhiên, điều lạ là, một “nguyên mẫu” hay đến vậy mà sao không tỉnh/ thành nào bắt chước làm theo? Có cái gì bất thường trong chuyện “chỉ có Big C hoặc Bách hoá Xanh mới được bán hàng cho dân đang áp dụng giãn cách” này chăng?

Nha Trang đã làm. Và làm rất tốt. Hà cớ gì các nơi không làm theo?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.