Đà Nẵng: Những người ăn cơm nhà đi chợ thay dân

GD&TĐ - Để bảo đảm cuộc sống cho các hộ dân bị phong tỏa ở khu vực quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng), chính quyền quận đã có tổ đi chợ giúp dân. Việc này đã bảo đảm cung ứng thực phẩm thiết yếu cho từng gia đình.

Các tổ hỗ trợ đi chợ mua giúp thực phẩm cho người dân. Ảnh: Anh Thân
Các tổ hỗ trợ đi chợ mua giúp thực phẩm cho người dân. Ảnh: Anh Thân

Không đi chợ vẫn đủ nhu yếu phẩm

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng đã thiết lập một số vùng cách ly y tế để phòng dịch, trong đó có một số phường đã bị phong tỏa cứng (không ai được phép ra vào – PV) do có nhiều ca mắc mới.

Phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) thực hiện phong tỏa cứng hiện có 8.230 hộ với hơn 32.000 dân. Ngay sau khi thực hiện việc phong tỏa cứng, các phường đã thành lập tổ hỗ trợ mua nhu yếu phẩm và thông báo để bà con nhân dân biết.

Theo “quy trình hoạt động”, mỗi hộ dân sẽ được phát phiếu đăng ký mua hàng. Bên cạnh đó, sẽ có tờ hướng dẫn cùng bảng giá các mặt hàng thực phẩm để tham khảo. Các hộ dân đăng ký các mặt hàng cần mua và gửi lại cho tổ hỗ trợ.

Các thành viên tổ hỗ trợ sẽ nhận phiếu mua hàng của các hộ dân, lên danh sách các mặt hàng thiết yếu cần mua để đặt hàng với đơn vị cung ứng, sau đó phát cho từng hộ gia đình.

Theo ông Cao Đình Hải - Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông, tổ hỗ trợ mua nhu yếu phẩm hoạt động khá hiệu quả.

“Mỗi tổ dân phố sẽ lập ra một tổ hỗ trợ với 2 - 3 thành viên, có nhiệm vụ tổng hợp nhu cầu mua sắm lương thực, thực phẩm của bà con trong tổ để mua hộ. Cứ 3 ngày một lần, mỗi hộ dân sẽ dùng phiếu mua hàng để đăng ký mua các mặt hàng thiết yếu với tổ hỗ trợ.

Khi hàng hóa được chuyển về chốt kiểm tra, chỉ những thành viên của tổ hỗ trợ mới được ra lấy để chia cho các hộ theo danh sách. Việc này bảo đảm cho bà con không cần đi mua sắm nhưng vẫn bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm sử dụng,” ông Hải nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các tổ cũng thường xuyên rà soát, báo cáo các trường hợp hộ gia đình khó khăn, đặc biệt là các hộ gia đình chính sách để chính quyền địa phương có biện pháp hỗ trợ.

Không để dân khó khăn

Thống kê của siêu thị Co.op Mart chi nhánh Sơn Trà, mỗi ngày, siêu thị bán online và vận chuyển hàng trăm đơn hàng đến các khu vực cách ly y tế. Cụ thể, mỗi ngày siêu thị cung cấp khoảng 500kg rau củ quả, từ 200 - 300kg thịt và các mặt hàng khác cho người dân trong khu vực.

Một số UBND phường như Nại Hiên Đông, Thọ Quang... đã triển khai tốt việc đặt mua hàng online qua các tổ hỗ trợ và đưa xe của UBND phường đến tận siêu thị để lấy hàng, vận chuyển về cho người dân.

Đại diện Sở Công Thương TP Đà Nẵng cho biết, hiện Sở Công Thương đã yêu cầu các đơn vị cung ứng tiếp tục nhập các mặt hàng lương thực, thực phẩm đảm bảo người dân quận Sơn Trà không gặp khó khăn về nhu yếu phẩm.

Ngoài ra, đơn vị đã lên danh sách các cơ sở kinh doanh mặt hàng thiết yếu trên toàn thành phố để cập nhật vào bản đồ dữ liệu chống Covid-19 thành phố Đà Nẵng, đồng thời tuyên truyền cho người dân qua các cơ quan báo chí.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều địa phương buộc phải siết chặt biện pháp phòng dịch theo hướng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, thế nên Tổ Covid-19 cộng đồng, tổ hỗ trợ chính là cầu nối, kết nối người dân với lãnh đạo địa phương.

Đồng thời, họ cũng chính là những người xông pha lên tuyến đầu, hỗ trợ giải quyết tất cả các nhu cầu thiết yếu nhất cho người trong thời gian cách ly y tế toàn phường.

“Khi thực hiện cách ly y tế toàn phường thì sẽ có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Tùy theo tình hình thực tế phát sinh vấn đề đến đâu chúng tôi sẽ lên phương án giải quyết đến đấy với quyết tâm vừa đẩy lùi dịch bệnh, vừa đảm bảo ổn định đời sống cho người dân”, ông Hải khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.