Đưa bảo tàng đến trường học

GD&TĐ - Ngoài giờ học thực tế, một số bảo tàng đã chủ động tổ chức triển lãm chuyên đề tại trường, làm mềm hóa và sinh động bài học lịch sử...

Giáo viên và học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Linh (huyện Hòa Vang) chăm chú lắng nghe họa sĩ – nhà điêu khắc Phạm Hồng kể lại những câu chuyện đằng sau các bức ký họa chiến trường trong triển lãm lưu động Ký họa chiến trường khu V.
Giáo viên và học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Linh (huyện Hòa Vang) chăm chú lắng nghe họa sĩ – nhà điêu khắc Phạm Hồng kể lại những câu chuyện đằng sau các bức ký họa chiến trường trong triển lãm lưu động Ký họa chiến trường khu V.

Nhân chứng kể chuyện lịch sử

Trung tuần tháng 4/2022, học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Linh (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) có một tuần học lịch sử đầy sinh động ngay tại sân trường. 42 bức tranh ký họa kháng chiến tại chiến trường khu V – phiên bản do Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh trao tặng được Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng trưng bày lưu động để học sinh và giáo viên ở xa trung tâm thành phố có cơ hội tiếp cận.

Mỗi bức ký họa là một câu chuyện, trải nghiệm chân thực về cuộc sống thời chiến được tái hiện sống động, phản ánh cuộc sống khó khăn, gian khổ nhưng rất đỗi anh hùng, bất khuất của quân và dân khu V trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng dân tộc.

Đặc biệt, trong lễ khai mạc có sự tham gia của họa sĩ – nhà điêu khắc Phạm Hồng, đồng thời cũng là nhân chứng trực tiếp tham gia chiến đấu và sáng tác ký họa trên chiến trường khu V. Ngôn ngữ ký họa cùng những câu chuyện lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước càng trở nên dễ hiểu, gần gũi hơn với học sinh lứa tuổi THCS khi hai họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ và Phạm Hồng thuyết minh một số tác phẩm cụ thể.

Đây là lần đầu tiên, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng phối hợp với một trường học tổ chức triển lãm lưu động, dù trước đó đã có khoảng 60 sự kiện triển lãm phục vụ công chúng. Bà Nguyễn Thị Trinh – Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng - cho biết: “Chúng tôi đã nhận được sự phối hợp nhiệt tình và đầy trách nhiệm của thầy cô. Với học sinh, vì không bị khống chế về thời gian như những giờ học tại bảo tàng nên các em được tiếp cận kỹ hơn.

Ngoài thuyết minh của hướng dẫn viên, còn có sự tham gia kể chuyện của một số nhân chứng cũng đồng thời là họa sĩ, tác giả của các bức tranh. Những sự kiện lịch sử vì vậy được học sinh khắc ghi sâu hơn”. Nhiều tác phẩm đã thu hút sự quan tâm của học trò, như: “Người treo cờ trên Đại nội Huế”, “Tổ chốt tại Trung tâm Tiền Phước”, “B41 tiếp cận xe tăng địch”…

Em Thùy An, học sinh lớp 7, Trường THCS Nguyễn Văn Linh, chia sẻ: “Em xúc động khi được nghe các bác kể lại những câu chuyện liên quan đến cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc trên quê hương của mình. Em biết ơn các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì hòa bình, độc lập của đất nước, để chúng em có cuộc sống ấm no, hạnh phúc như hôm nay”. Còn Ánh Ngân, học sinh lớp 9, thì cho rằng, những câu chuyện do nhân chứng kể lại đã khiến giờ học lịch sử trên lớp trở nên gần gũi, dễ hiểu và dễ nhớ hơn vì gắn liền với nhiều địa danh cụ thể của quê hương.

Họa sĩ Phạm Hồng cũng xúc động khi gặp lại những bức tranh do đồng đội của mình ký họa được gìn giữ đến ngày hôm nay. “Tôi phấn khởi khi được chứng kiến hành trình thay da đổi thịt của đất nước. Tôi tin rằng, những người đã ngã xuống sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi thế hệ trẻ đang được giáo dục về truyền thống yêu nước bài bản, xuyên suốt. Hy vọng những tư liệu này được phát huy và chắp cánh cho các em theo đuổi con đường nghệ thuật”, ông Hồng chia sẻ.

Học sinh Trường THCS Chu Văn An (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) ghi chép các thông tin liên quan đến chủ quyền biển đảo tại triển lãm lưu động Hoàng Sa là của Việt Nam.

Học sinh Trường THCS Chu Văn An (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) ghi chép các thông tin liên quan đến chủ quyền biển đảo tại triển lãm lưu động Hoàng Sa là của Việt Nam.

Học Sử ngay ở sân trường

Nhà trưng bày Hoàng Sa (Đà Nẵng) vừa kết thúc chương trình triển lãm lưu động “Hoàng Sa là của Việt Nam” tại một số trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố. Nội dung trưng bày gồm 3 chủ đề chính: Lịch sử xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa; Một số hình ảnh về vươn khơi bám biển trên vùng biển Hoàng Sa; Hoạt động bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình hiện nay qua tư liệu báo chí.

Ngoài hoạt động trưng bày tư liệu, hiện vật, học sinh còn được nhắc nhớ những dấu mốc, sự kiện có liên quan đến chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa thông qua trò chơi Rung chuông vàng. Thông qua hệ thống câu hỏi, học sinh các trường học nắm được những dữ kiện quan trọng rằng quần đảo Hoàng Sa dưới triều Nguyễn từ 1802 - 1884 thuộc nước ta.

Các em biết chứng minh được chủ quyền bằng những cứ liệu, bản đồ, văn bản của nhà Nguyễn. Quần đảo Hoàng Sa từ 1884 - 1954 trực thuộc Đà Nẵng như thế nào? Từ 1954 đến nay, quần đảo Hoàng Sa trong mối quan hệ với Đà Nẵng và đất nước ra làm sao?...

Em Kim Quyên, học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), chia sẻ: “Để chuẩn bị tốt cho buổi tham gia Rung chuông vàng với chủ đề: Em yêu biển đảo quê hương, em đã lên mạng tìm hiểu một số thông tin liên quan đến quần đảo Hoàng Sa.

Thông qua hệ thống câu hỏi cùng những câu chuyện do các cô chú ở Nhà trưng bày Hoàng Sa kể lại, việc tiếp xúc với các hiện vật giúp em và các bạn hiểu rõ hơn về chủ quyền biển đảo. Em có thể tự tin để có thể chứng minh được chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa thông qua trích dẫn các số liệu bản đồ, văn bản nào… chứ không nói chung chung như trước đây”.

Ngoài những bài giảng tích hợp về biển đảo trong các môn học chính khóa, Trường THCS Hoàng Sa (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa về chủ quyền biển đảo. Những giờ học sinh động được tổ chức tại Nhà trưng bày Hoàng Sa hay buổi nói chuyện của ông Nguyễn Văn Cúc (trú tại quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), người từng 3 lần đặt chân đến Hoàng Sa đã bồi đắp thêm tình yêu biển đảo cho học sinh ngôi trường mang tên huyện đảo Hoàng Sa.

Với quan điểm lịch sử không chỉ nằm trong trang sách, mà phải xuôi cùng với dòng chảy của hiện tại, các bảo tàng đã phối hợp với trường học cùng linh hoạt trong cách thức tuyên truyền, chủ động đưa hiện vật tiếp cận với học sinh. Chính sự mềm dẻo trong cách tiếp cận, để nhân chứng và sự kiện kể lại câu chuyện lịch sử, đã bồi đắp cho các em niềm tự hào với quê hương xứ sở bằng những gì rất gần gũi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.