HS hào hứng với những câu chuyện lịch sử
Em Ngọc Hà, HS trường THCS Đoàn Kết (Hà Nội) hào hứng: “Bằng việc quan sát, đọc những thông số trên các hiện vật cùng với lối kể chuyện gần gũi của Giáo sư về những trận chiến trên sông Bạch Đằng, chúng em rất dễ thuộc dễ nhớ. Ngoài ra, những chi tiết không có trong sách giáo khoa còn giúp chúng em hiểu kỹ hơn về những diễn biến xảy ra trong những khoảng thời gian lịch sử đó”.
Tham gia chương trình “Sách ơi mở ra”, vừa diễn ra đầu tháng 7 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, chúng tôi thấy các em nhỏ (lứa tuổi từ tiểu học đến THCS) đều hào hứng khi được cùng trò chuyện với Giáo sư sử học Lê Văn Lan. Có những bạn nhỏ lâu nay chưa thực sự yêu mến môn Lịch sử, nhưng khi tới đây đã bị lôi cuốn bởi những khám phá mới mẻ.
Chia sẻ về việc hướng dẫn các em HS học sử tại bảo tàng, Giáo sư Lê Văn Lan cho rằng đó là cách kể chuyện để đưa khoa học và nghệ thuật đến gần hơn với các em. Bằng cách dẫn dắt mộc mạc, gần gũi, nhà sử học đã tạo hứng thú cho HS khi cho các em tìm hiểu về tinh thần yêu nước, về truyền thống đánh giặc, xung quanh 3 trận chiến trên sông Bạch Đằng của ông cha ta trong quá khứ.
Cách tiếp cận và trải nghiệm mới mẻ
HS được nghe Giáo sư Lê Văn Lan kể những câu chuyện lịch sử hấp dẫn |
Qua những hoạt động như thế này, HS sẽ được tiếp cận với môn Lịch sử ở một góc độ khác sinh động, mới mẻ chứ không đơn thuần là chỉ đọc và học những kiến thức trên trang sách. Như vậy HS đã được trải nghiệm, được sáng tạo, được hóa thân vào nhân vật và sẽ thấy môn học Lịch sử cũng hết sức gần gũi, thú vị.
Em Bùi Vân Anh, SV năm thứ 4 khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Hà Nội, một trong những tình nguyện viên tham gia thực hiện chương trình “Sách ơi mở ra” đã chia sẻ: Học tại bảo tàng là một trong những chuỗi chương trình của dự án về văn hóa đọc “Sách ơi mở ra”.
Tham gia vào chuỗi chương trình này các em HS sẽ được học Lịch sử trực tiếp với Giáo sư Lê Văn Lan với các nội dung về Lịch sử theo mỗi chủ đề khác nhau. Ngoài ra trong chương trình, các em HS còn được tham gia các hoạt động thuyết trình sáng tạo để tìm hiểu thêm về kiến thức lịch sử.
Tham gia chương trình, các em HS sẽ được thực hiện những hoạt động lý thú như: Dùng trí tưởng tượng để đặt mình lên chuyến tàu thời gian và trở lại những thời đại trong quá khứ. HS sẽ được đóng vai về các nhân vật đã sống ở thời đại đó.
Có thể là một vị vua, quan, hoàng hậu hay một người dân bình thường. Các em sẽ được tự giới thiệu về cuộc sống của mình ở thời đại đó. Đó là những vấn đề như: trang phục của mình, các phương tiện khi di chuyển, cách thi cử ra sao… Các em cũng sẽ giới thiệu về cuộc sống của mình ở thời đại đó có gì khác so với ở triều đại khác.