Tích hợp các nội dung của công tác tuyển sinh
PGS Nguyễn Phong Điền phân tích: Dự thảo Thông tư Ban hành Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non 2020 có sự tích hợp các nội dung của công tác tuyển sinh đào tạo chính quy, vừa làm vừa học, văn bằng 2... Việc này nhằm bảo đảm mặt bằng chất lượng tuyển sinh trong cùng trình độ; đồng thời, dễ tra cứu, áp dụng pháp luật. Đây là điểm mới và quan trọng của dự thảo Quy chế tuyển sinh năm nay. Trước đây, Quy chế tuyển sinh chỉ áp dụng cho loại hình đào tạo chính quy.
Vì thế việc tích hợp như trên là hợp lý, bởi theo kế hoạch, tháng 3 tới Bộ GD&ĐT sẽ ban hành Thông tư liên quan đến nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học. Theo đó, trên văn bằng sẽ không ghi loại hình đào tạo mà chỉ bổ sung ghi vào phần phụ lục. Hơn nữa, theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, sẽ không phân biệt loại hình đào tạo. “Mục đích chúng ta hướng tới là, dù đào tạo chính quy hay tại chức đều có chất lượng chuẩn đầu ra như nhau. Do đó, tôi cho rằng, dự thảo Quy chế tuyển sinh lần này đã thể hiện rõ tinh thần trên nên mới tích hợp các nội dung của công tác tuyển sinh đào tạo chính quy, vừa làm vừa học, văn bằng 2...” - PGS Nguyễn Phong Điền trao đổi.
Phát huy quyền tự chủ của các trường
Cũng theo PGS Nguyễn Phong Điền, dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2020 cơ bản giữ ổn định như năm 2019, chỉ sửa đổi, bổ sung những gì còn bất cập, vướng mắc của năm trước. Dự thảo cũng quy định, các trường chỉ được dùng tối đa 4 tổ hợp xét tuyển cho một ngành và có sửa đổi (bổ sung phần trách nhiệm của địa phương, trong đó có trách nhiệm của UBND tỉnh, sở GD&ĐT và trách nhiệm của điểm thu nhận hồ sơ).
Tức là ngoài phần trách nhiệm và hỗ trợ của Bộ GD&ĐT về quản lý cơ sở dữ liệu thi, nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh, có thêm phần trách nhiệm của UBND tỉnh, sở GD&ĐT trong việc hỗ trợ thí sinh ghi đăng ký dự thi Kỳ thi THPT quốc gia, đăng ký nguyện vọng xét tuyển và kiểm tra giám sát các phần dữ liệu có liên quan đến ưu tiên khu vực cho chuẩn xác. Tránh tình trạng các em trúng tuyển vào trường rồi mới phát hiện sai sót, khi đó ảnh hưởng rất lớn đến thí sinh.
Cho rằng, dự thảo Quy chế tuyển sinh 2020 không có tác động nhiều đến các cơ sở giáo dục đại học nhưng các trường sẽ phải làm việc nhiều hơn, PGS Nguyễn Phong Điền trao đổi: Tháng 3/2020, các trường phải xây dựng đề án tuyển sinh. Đề án này sẽ có nhiều thông tin và dữ liệu hơn so với năm 2019. Cụ thể, các trường phải xác định cả phương thức tuyển sinh đối với các loại hình đào tạo: Chính quy, hệ vừa học vừa làm, văn bằng 2…
Một điểm đáng chú ý nữa đó là, dự thảo Quy chế tuyển sinh năm nay đã phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, gắn với trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học. Các trường sẽ tự xác định phương thức tuyển sinh trên cơ sở các quy định của Quy chế tuyển sinh. Chẳng hạn, các trường có thể tổ chức thi tuyển, xét tuyển hay xét tuyển căn cứ hoàn toàn vào kết quả thi THPT quốc gia, hoặc một phần dựa vào kỳ thi của trường, một phần dựa vào học bạ của thí sinh… Trên tinh thần ấy, các trường phải công khai trong đề án tuyển sinh. Ngoài ra, trong đề án sẽ cung cấp tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm trong vòng 12 tháng.
Liên quan đến ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của khối ngành sức khỏe, sư phạm, PGS Nguyễn Phong Điền cho biết: Có một số ý kiến cho rằng, khối sư phạm nghệ thuật, thể dục thể thao chú trọng đến năng khiếu của người học hơn vấn đề học vấn. Vì thế, nếu quy định “điểm sàn” và các điều kiện quá cao sẽ khó để có thể tuyển được người có năng khiếu tốt. Vì vậy, đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu, thảo luận kỹ nội dung này để có quyết định hợp lý nhất.
PGS Nguyễn Phong Điền