Dự thảo Quy chế đào tạo trình độ đại học: Tháo gỡ nhiều vướng mắc

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, dự thảo Quy chế đào tạo trình độ đại học có nhiều điểm mới.

Một lớp học của Trường ĐH Mở Hà Nội. Ảnh: TG.
Một lớp học của Trường ĐH Mở Hà Nội. Ảnh: TG.

Quy chế vừa tôn trọng tự chủ đại học, bảo đảm chất lượng đào tạo chung của hệ thống; Đồng thời có tính kế thừa và tháo gỡ nhiều vướng mắc cho cơ sở giáo dục đại học (GDĐH).

Vừa “mở” vừa chặt chẽ

TS Phùng Xuân Dũng – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội ghi nhận: Dự thảo Quy chế đào tạo trình độ đại học không chỉ kế thừa những ưu điểm của các quy chế đào tạo trước đó, mà còn cập nhật nhiều nội dung mới, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH (Luật số 34). Dự thảo Quy chế đồng thời giải quyết nhiều vướng mắc trong thực tiễn mà các cơ sở GDĐH đang gặp phải, như: Cách tính điểm, quy định chuyển trường, sinh viên trong diện bảo lưu kết quả học tập... Những nội dung này được Quy chế hướng dẫn chi tiết và có thống nhất; khắc phục tình trạng mỗi trường triển khai một kiểu.

Cho rằng, dự thảo Quy chế đào tạo trình độ đại học vừa chặt chẽ, lại vừa “mở”, phù hợp với xu thế tự chủ đại học, PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân phân tích: Chặt chẽ ở chỗ: Các vấn đề về quản lý đào tạo từ trước đến nay chưa đề cập hoặc chưa thống nhất, nay đã đề cập tới và giải quyết một cách cơ bản thống nhất. Còn ở chiều “mở”, dự thảo Quy chế chỉ đưa ra khung chính, điều khoản cơ bản, để phù hợp với Luật cũng như xu thế tự chủ của các trường. “Ngoài ra, dự thảo Quy chế đã chú trọng đến hai vấn đề quan trọng: Bảo đảm nâng cao chất lượng và công nhận tín chỉ, liên thông. Hai vấn đề này được đề cập khá đầy đủ trong dự thảo lần này” - PGS.TS Bùi Đức Triệu nhấn mạnh.

Dự thảo Quy chế đào tạo trình độ đại học vừa “mở”, vừa chặt chẽ.
Dự thảo Quy chế đào tạo trình độ đại học vừa “mở”, vừa chặt chẽ.

Chỉ liên kết đào tạo với hình thức vừa làm, vừa học

TS Trương Đại Lượng - Trưởng phòng Đào tạo quản lý Khoa học và Hợp tác quốc tế, Trường ĐH Văn hoá Hà Nội cho rằng: Dự thảo quy định về công nhận kết quả học tập và chuyển đổi tín chỉ khá chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn. Theo đó, khối lượng tối đa được công nhận, chuyển đổi thực hiện theo quy định của cơ sở đào tạo, nhưng không vượt quá 50% khối lượng học tập tối thiểu của chương trình đào tạo. Điều này giúp các em có cơ hội tích lũy thêm kiến thức mới.

“Nếu xem xét dựa trên yếu tố chất lượng đào tạo, đây là bước tiến đặc biệt. Quy chế này yêu cầu các cơ sở GDĐH, muốn liên kết đào tạo phải đáp ứng yêu cầu kiểm định chất lượng, ở mức độ cao hơn là kiểm định chương trình đào tạo” - TS Lượng nhấn mạnh, đồng thời ghi nhận: Quy định về liên kết đào tạo trong dự thảo này chặt chẽ hơn. Theo đó, liên kết đào tạo chỉ thực hiện đối với hình thức vừa làm, vừa học. Các ngành thuộc lĩnh vực khoa học sức khoẻ có cấp chứng chỉ hành nghề không được liên kết đào tạo.

Dự thảo Quy chế cũng nêu rõ các yêu cầu tối thiểu với cơ sở tổ chức liên kết đào tạo và cơ sở phối hợp đào tạo. Cụ thể, để liên kết đào tạo, cơ sở đào tạo phải được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở GDĐH (còn thời hạn theo quy định) bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp. Đồng thời, chương trình đào tạo được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo quy định hiện hành. Ngoài ra, cơ sở đào tạo phải bảo đảm đội ngũ giảng viên cơ hữu giảng dạy tối thiểu 70% nội dung, khối lượng chương trình đào tạo. Các điều kiện bảo đảm chất lượng tại cơ sở phối hợp đào tạo cũng phải được cơ sở đào tạo quy định và thẩm định.

Về phía cơ sở phối hợp đào tạo, dự thảo quy định đơn vị này phải được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục (còn thời hạn theo quy định) bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp. Đáp ứng các yêu cầu về môi trường sư phạm, cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện và cán bộ quản lý theo yêu cầu của chương trình đào tạo.

Đáng chú ý, so với dự thảo lần trước, bản dự thảo lần này bỏ quy định cơ sở phối hợp đào tạo phải được UBND cấp tỉnh chấp thuận bằng văn bản. Đây cũng là điểm mới được đại diện các cơ sở GDĐH và cơ sở phối hợp đào tạo ghi nhận, góp phần giảm gánh nặng về thủ tục hành chính cho công tác liên kết đào tạo. Tuy nhiên, cơ sở phối hợp đào tạo phải lưu ý báo cáo UBND về công tác liên kết đào tạo, tuyển sinh… theo đúng quy định.

Theo báo cáo của Vụ GDĐH (Bộ GD&ĐT), nội dung dự thảo Quy chế đào tạo đại học là quy chế khung, quy định các vấn đề cốt lõi trong đào tạo (gồm các quy định cứng, quy định mở, về yêu cầu tối thiểu trong tổ chức đào tạo chính quy, vừa học vừa làm, liên kết đào tạo, đào tạo liên thông, đào tạo văn bằng 2 cho người có trình độ đại học). Căn cứ Quy chế này, các cơ sở đào tạo phải xây dựng và ban hành quy chế riêng của trường mình để thực hiện cho phù hợp với điều kiện thực tế.

TS Nguyễn Xuân Tùng - Phó Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội) ghi nhận, dự thảo Quy chế đã bao hàm tất cả khía cạnh về quản lý Nhà nước, nhưng không can thiệp quá sâu, hay “cầm tay chỉ việc” và bảo đảm quyền tự chủ của các trường. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.