Theo đó, Quy chế này quy định về đào tạo trình độ đại học, bao gồm quy định chung; tổ chức đào tạo; đánh giá học phần; xét và công nhận tốt nghiệp.
Quy chế này áp dụng đối với các khóa đào tạo ở trình độ đại học trong các cơ sở giáo dục được phép đào tạo trình độ đại học. Quy chế này không áp dụng đối với hình thức đào tạo từ xa trình độ đại học; liên kết đào tạo cấp bằng nước ngoài.
Chương trình đào tạo được xây dựng theo đơn vị tín chỉ, bao gồm mục tiêu, khối lượng kiến thức, cấu trúc, nội dung, phương pháp và hình thức đánh giá đối với môn học, ngành học, trình độ đào tạo, chuẩn đầu ra phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam; bảo đảm yêu cầu liên thông giữa các trình độ, ngành đào tạo; bảo đảm quy định về chuẩn chương trình đào tạo theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Mỗi chương trình đào tạo gắn với một ngành (kiểu đơn ngành) hoặc với một vài ngành (kiểu song ngành, kiểu ngành chính – ngành phụ) và được cấu trúc từ các học phần thuộc hai khối kiến thức: giáo dục đại cương và giáo dục chuyên nghiệp.
Cơ sở giáo dục đại học tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình trong việc xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo.
Khóa học là thời gian thiết kế để sinh viên hoàn thành một chương trình đào tạo đại học cụ thể.
Điều 3 dự thảo quy chế quy định về sắp xếp sinh viên vào học và tổ chức hoạt động giảng dạy. Cụ thể: Tuỳ theo tình hình thực tế của trường, thủ trưởng cơ sở đào tạo chỉ đạo sắp xếp thời khóa biểu cho các lớp và quy định cụ thể thời gian hoạt động giảng dạy của trường theo các quy định hiện hành.
Trên cơ sở bảo đảm các điều kiện để tổ chức giảng dạy trực tuyến theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT, việc tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến không được vượt quá 20% số tín chỉ của chương trình đào tạo.