Thưa GS.TS, ông có nhận xét gì về chủ trương bỏ điểm sàn của Bộ GD&ĐT? Liệu việc không quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào có ảnh hưởng đến chất lượng nguồn tuyển không, thưa ông?
Trước hết, nói về điểm sàn hay ngưỡng chất lượng đầu vào, lâu nay được xem là điều kiện cần đối với thí sinh. Thực tế đã cho thấy, tuy có điểm sàn nhưng để có thể nộp đơn xét tuyển vào một trường ĐH nào đó, thí sinh phải đáp ứng những điều kiện khác do trường đó quy định.
Tùy theo chiến lược phát triển, tính chất đặc thù của ngành nghề đào tạo, điều kiện đảm bảo chất lượng, uy tín… mà điều kiện do các trường quy định cũng rất khác nhau. Việc quy định một ngưỡng đầu vào chung cho tất cả các trường, tất cả các ngành không còn phù hợp với xu thế ngành nghề đào tạo ngày càng đa dạng hiện nay.
Thí sinh tốt nghiệp THPT là điều kiện cần để có thể học lên ĐH, còn điều kiện đủ do các trường quy định. Các trường sẽ phải công bố công khai cho xã hội biết điều kiện đầu vào trong đề án tuyển sinh của trường. Việc đảm bảo chất lượng đầu ra là do các trường chịu trách nhiệm.
Hai năm nay, Bộ đã cho phép các trường có thể tuyển sinh riêng bằng cách xét học bạ THPT. Trên thực tế các trường cũng không tuyển được nhiều thí sinh theo phương thức này. Năm 2016 mặc dù Bộ có quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nhưng có hơn 100.000 thí sinh trên ngưỡng này không nộp đăng ký xét tuyển trong khi rất nhiều trường tuyển không đủ chỉ tiêu.
Điều này cho thấy thí sinh ngày nay đã có sự tính toán, lựa chọn trường, không phải vào đại học bất kỳ trường nào. Vì thế không phải các trường cứ hạ điểm chuẩn là có thể tuyển đủ chỉ tiêu. Ngược lại việc hạ thấp điểm chuẩn làm cho uy tín của trường bị ảnh hưởng, càng khiến cho thí sinh quay lưng. Do đó các trường sẽ tự cân nhắc khi đặt điều kiện đầu vào của trường cho phù hợp để đảm bảo chất lượng, xây dựng uy tín của trường.
Mặt khác, năm nay, Bộ cũng yêu cầu các trường công khai điều kiện đảm bảo chất lượng, báo cáo tình hình sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm, công khai chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia, đồng thời triển khai mạnh mẽ kế hoạch kiểm định chất lượng. Việc kiểm soát chất lượng đào tạo vì vậy không chỉ còn tập trung vào đầu vào mà được thực hiện trong suốt quá trình đào tạo cho đến khi sinh viên tốt nghiệp ra trường.
Việc không giới hạn số nguyện vọng, số trường đăng ký của thí sinh có thực sự cần thiết không, thưa ông, trong khi thực tế tuyển sinh ĐH năm 2015 và 2016 vừa qua cho thấy, thí sinh thường chỉ dùng tối đa là 4 nguyện vọng?
Năm 2016 trong đợt xét tuyển chính, thí sinh được đăng ký 4 nguyện vọng nhưng chỉ được vào 2 trường nên có phần nào hạn chế mong muốn của thí sinh được đăng ký vào ngành mình yêu thích ở các trường có tính cạnh tranh khác nhau. Việc lập thành nhóm trong năm 2016 như nhóm ĐHĐN và nhóm GX là nỗ lực của các trường trong nhóm để tăng số ngành/số trường được chọn cho thí sinh và giúp giảm ảo, nhưng cũng chỉ giới hạn ở 4 nguyện vọng. Do đó chưa xử lý dứt điểm được bất cập bấy lâu nay dư luận vẫn phàn nàn là thí sinh cố đậu cho được vào đại học với bất kỳ ngành nào chứ không phải đậu vào ngành yêu thích để học tập đạt kết quả tốt.
Năm 2017 dự thảo quy chế cho phép thí sinh được đăng ký nguyện vọng theo mong muốn, không giới hạn số nguyện vọng cũng như số trường. Vì thế cơ hội thí sinh trúng tuyển vào ngành yêu thích sẽ cao hơn. Ví dụ thí sinh có thể đăng ký ngành A nào đó vào nhiều trường có ngành này nhưng có mức điểm trúng tuyển khác nhau để khi không trúng tuyển trường điểm cao thì có thể trúng tuyển trường có điểm thấp hơn.
Ví dụ ở Pháp thì học sinh trong nước được đăng ký 20 nguyện vọng và học sinh nước ngoài được đăng ký 12 nguyện vọng. Tuy nhiên, số nguyện vọng tối đa càng lớn thì máy tính sẽ xử lý lâu hơn nhưng đây không phải là vấn đề về mặt kỹ thuật vì thời gian để tính toán rất lớn và trên dữ liệu tĩnh.
Theo như dự thảo quy chế tuyển sinh 2017, để hạn chế tình trạng ảo, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng cổng thông tin tuyển sinh. Cổng này giúp các trường thực hiện thống kê nguyện vọng của thí sinh để lọc ra danh sách trúng tuyển chính thức. Biện pháp kỹ thuật này có đủ mạnh để giúp các trường hạn chế tình trạng thí sinh đăng ký xét tuyển “ảo” dẫn đến điểm chuẩn cũng sẽ ảo?
Qua hai năm 2015 và 2016, ĐHĐN đã tuyển sinh chung cho các trường thành viên và cho thí sinh đăng ký qua mạng và qua gửi bản in và ĐHĐN đều nghiêm túc nhập dữ liệu vào hệ thống chung của Bộ, và thực tế cho thấy rất thuận lợi, phần mềm xử lý nhanh và cho kết quả chính xác.
Năm nay thí sinh phải đăng ký nguyện vọng trước khi thi và sẽ được nhập vào hệ thống. Như vậy các em có thể tiếp tục suy nghĩ và đủ thời gian để chỉnh sửa sai sót và điều chỉnh. Mặc dù sau khi có kết quả thi, thí sinh có thể tiếp tục điều chỉnh nguyện vọng đã đăng ký, nhưng khi đó số lượng cần điều chỉnh sẽ không nhiều và quan trọng là nhất thiết không tập trung vào một thời điểm. Với điều kiện công nghệ thông tin hiện nay và cách làm như vậy thì chắc chắn không ngại hệ thống bị quá tải.
Về xử lý trúng tuyển ảo, dự thảo quy định việc xét tuyển được thực hiện qua 2 bước, theo đó ở bước 1 các trường khai thác thông tin trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ để dự kiến kết quả xét tuyển và Bộ xét tuyển chính thức ở bước 2. Kết quả xét tuyển dự kiến tại các trường trong bước 1 sẽ có ảo do thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng. Ngoài ra, cho dù được khai thác thông tin trên cổng thông tin tuyển sinh nhưng các trường sẽ khó lọc ảo trong bước xét tuyển này do nguồn dữ liệu đăng ký tuyển sinh chung nhưng lại được xét tuyển riêng lẻ tại từng trường.
Do đó, chỉ đến khi xét tuyển chung ở bước 2 ở Bộ thì mới loại được ảo. Điểm chuẩn ở 2 bước xét tuyển chắc chắn sẽ có nhiều sai lệch. Đây là 1 phương án xét tuyển đáp ứng được các mục tiêu đặt ra và cả về mặt kỹ thuật. Vì vậy biện pháp kỹ thuật này đủ để giúp các trường hạn chế tình trạng thí sinh đăng ký xét tuyển “ảo”.
Tuy nhiên, từ thực tế tuyển sinh tại ĐH Đà Nẵng trong những năm qua, tôi cho rằng việc xét tuyển không chỉ hoàn toàn dựa theo yếu tố kỹ thuật mà còn phải xem xét đến nhiều yếu tố khác.
Xin GS.TS cho biết những điều chỉnh trong dự thảo quy chế tuyển sinh 2017 sẽ tác động thế nào đến quyền tự chủ tuyển sinh của các trường?
Hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến quyền tự chủ tuyển sinh của các trường. Quyền tự chủ tuyển sinh phụ thuộc ai là người quyết định điểm trúng tuyển và danh sách thí sinh trúng tuyển. Theo dự thảo quy chế tuyển sinh thì hai việc này hoàn toàn do các trường quyết định. Bộ xây dựng cổng thông tin tuyển sinh, cung cấp thông tin và công cụ thống kê tự động để hỗ trợ cho các trường thực hiện đúng quy chế tuyển sinh theo nguyên tắc cơ bản: Trong xét tuyển đợt 1, thí sinh chỉ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký. Nếu trường không sử dụng công cụ hỗ trợ của cổng thông tin tuyển sinh thì không thể đảm bảo được nguyên tắc này.
Một thay đổi đáng chú ý trong dự thảo quy chế là các trường tự quyết định thời gian xét tuyển các đợt bổ sung và báo cáo kết quả tuyển sinh trước 31/1 năm kế tiếp. Với quy định này, các trường được hoàn toàn tự chủ về kế hoạch tuyển sinh, kể cả tuyển sinh bổ sung vào tháng 11, 12 để thí sinh trúng tuyển có thể bắt đầu nhập học chậm sau 1 học kỳ so với thí sinh trúng tuyển đợt chính thức.
Quy định này ngoài việc tạo ra quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường trong tuyển sinh nhưng cũng đặt ra thách thức để các trường phải chứng tỏ đảm bảo điều kiện CSVC, đội ngũ, chương trình đào tạo, môi trường học tập thật sự tốt để giữ chân thí sinh đã trúng tuyển không chuyển sang trường khác trong các đợt xét bổ sung.
Xin cảm ơn GS.TS!
GS.TS Trần Văn Nam - Giám đốc ĐH Đà Nẵng