(GD&TĐ)-Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2006/NĐ-CP về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Dự thảo sẽ bổ sung nội dung về phụ cấp thu hút đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã hết thời hạn công tác theo quy định nhưng cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền chưa sắp xếp, luân chuyển công tác trở về nơi ở hoặc nơi làm việc cuối cùng trước khi luân chuyển đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Theo đó, đối tượng này sẽ tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); tuy nhiên sẽ không hưởng phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP.
Cũng theo dự thảo này, nhà giáo, cán bộ QLGD khi được luân chuyển đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương tối thiểu chung cho một người. UBND cấp huyện của địa phương có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết trợ cấp lần đầu và chỗ ở cho nhà giáo, cán bộ QLGD được chuyển đến địa phương. Nếu nhà giáo, cán bộ QLGD có gia đình chuyển đi theo thì được trợ cấp tiền tàu xe, cước hành lý cho các thành viên đi cùng và được trợ cấp chuyển vùng bằng 12 tháng lương tối thiểu chung cho một hộ.
Vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại Nghị định này bao gồm: Các huyện đảo: Trường Sa, Hoàng Sa; Các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Các thôn, buôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, ấpđặc biệt khó khăn theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Các xã không thuộc diện đặc biệt khó khăn thuộc các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ được áp dụng hưởng chính sách như quy định đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Lập Phương