Dự thảo môn Sinh học: Tăng tính ứng dụng, tạo hứng thú cho học sinh

GD&TĐ - Ngay sau khi tìm hiểu dự thảo môn Sinh học trong Chương trình phổ thông tổng thể mới, theo giáo viên bộ môn Sinh tại TPHCM, nhận xét, tăng tính ứng dụng công nghệ sinh học, tính thực tiễn sẽ tạo hứng thú cho học sinh khi theo học môn Sinh vốn dĩ từ trước đến nay được coi là bộ môn “kén” HS.

Dự thảo môn Sinh học: Tăng tính ứng dụng, tạo hứng thú cho học sinh

Hài lòng với những đổi mới

ThS Nguyễn Vũ Thắng, bộ môn Sinh học (hệ thống Trường Vinschool tại TPHCM) rất nhất trí với các thay đổi trong chương trình Sinh học phổ thông mới. Chương trình đã định hướng tập trung phát triển các kiến thức sinh học có tính nguyên lý, làm cơ sở nền tảng cho công nghệ sinh học ứng dụng hiện đại.

Chương trình cung cấp các khái niệm, quy luật, mô hình lý thuyết làm cơ sở thiết kế các mô hình ứng dụng. Các chuyên đề riêng có tích hợp khoa học liên ngành để học sinh lựa chọn phù hợp với năng lực, sở thích. Phát triển các kĩ năng tiến trình trong dạy học dự án. Chương trình đi sâu hơn về sinh học phân tử, sinh học tế bào và các thành tựu trong y sinh học, tin sinh học, kĩ thuật môi trường, nông nghiệp, thực phẩm sạch, năng lượng tái tạo… Điều này hứa hẹn sẽ tạo ra hứng thú cho người học vì được tiếp cận một chương trình mới, hay và tăng tính ứng dụng, tính thực tiễn.

Tương tự, cô giáo Nguyễn Thị Phương Nam, giáo viên bộ môn Sinh, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3 chia sẻ, cô đánh giá cao về quan điểm cũng như mục tiêu việc xây dựng môn Sinh mà dự thảo đề cập.

Ngoài ra, việc xây dựng nội dung giáo dục cũng cho thấy có nhiều đổi mới, tiến bộ phù hợp với sự phát triển của công nghệ sinh học hiện nay.

Theo cô Phương Nam, học theo chuyên đề sẽ giúp các em vừa thỏa mãn tình yêu của mình dành cho bộ môn Sinh học, vừa giúp các em tiếp cận với những thành tựu Sinh học mới trên thế giới và giúp các em định hướng nghề nghiệp, giúp các phát huy được sở trường của mình trong tương lai.

Cô Phương Nam phân tích: Sinh học là khoa học thực nghiệm, vì vậy thực hành trong phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn, ngoài thực địa là phương pháp, hình thức dạy học cơ bản của môn Sinh học cho thấy, chương trình mới giảm nhẹ kiến thức theo kiểu mô tả, tăng thực hành, tăng học tập ngoài thực địa. Qua đó sẽ làm tăng hứng thú học tập cho học sinh, giúp các em hiểu rõ lí thuyết và biết vận dụng kiến thức đã học vào đời sống, giúp các em tiếp cận với công nghệ sinh học hiện đại .

Đóng góp ý kiến

Từ chương trình của nội dung môn Sinh học, thạc sĩ Nguyễn Vũ Thắng góp ý: Các trường học cần có kế hoạch hàng năm cho bộ môn phù hợp với đặc điểm của trường về điều kiện cơ sở vất chất. Nếu có điều kiện, các trường chủ động kết nối với các tổ chức, trung tâm, doanh nghiệp tại địa phương để học sinh có thể trải nghiệm thực tế, góp phần hình thành năng lực khởi nghiệp, định hướng nghề nghiệp trong quá trình học tập, hình thành các dự án sáng tạo, gắn liền với thực tiễn.

Bên cạnh đó, thầy Vũ Thắng kỳ vọng, sách giáo khoa sẽ được thiết kế khoa học, logic, có thể theo module, có mục tiêu, kĩ năng thế kỉ XXI, hình ảnh chụp thật là chủ yếu, hình vẽ 3D, có bài tập làm trực tiếp trên sách, có hệ thống sơ đồ tư duy, có địa chỉ nguồn tài liệu tham khảo mở rộng, có thể áp dụng công nghệ thực tế ảo để minh họa quy trình công nghệ cần thiết bị đắt tiền, có nhiều thời gian cho học sinh được thực nghiệm tại phòng thí nghiệm, vườn thực nghiệm, trung tâm khoa học…

Cô giáo Nguyễn Thị Phương Nam cũng cho rằng, để thực hiện được chương trình mới của bộ môn, ngoài việc các giáo viên phải là những người chủ động tìm tòi cũng như có những sáng tạo, đổi mới trong dạy học, thì việc tăng cường tập huấn, bồi dưỡng để tiếp cận chương trình mới cũng là điều quan trọng. Với công nghệ số như hiện nay, việc tập huấn trực tuyến cũng cần được cân nhắc.

Cô cũng hi vọng, Bộ sẽ thiết kế sách giáo khoa phù hợp, sinh động với hình ảnh đẹp, sinh động, chân thật để HS dù không chọn môn Sinh để theo học lên cao cũng tiếp thu kiến thức một cách căn bản, dễ hiểu, dễ nhớ.

“Chính việc tăng thời gian cho các em thực hành môn Sinh học, tăng phần liên hệ thực tế sẽ giúp “giáo dục cho học sinh tình yêu thiên nhiên; niềm tự hào về sự đa dạng và phong phú của tài nguyên sinh vật Việt Nam, đồng thời giáo dục các em trách nhiệm công dân trong việc giữ gìn, phát huy và bảo tồn sự đa dạng, phong phú của tài nguyên sinh vật trên Trái đất” - cô Phương Nam nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ