Chương trình mới rất tiến bộ, phù hợp với thời đại mới

GD&TĐ - Theo nhận xét của GS.VS Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Dự thảo các Chương trình môn học, hoạt động giáo dục mà Bộ GD&ĐT vừa công bố không chỉ phù hợp với điều kiện thực tại của đất nước mà còn phù hợp với thời đại mới.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Đã có bước chuẩn bị cho học sinh thành người

Chương trình giáo dục phổ thông mới có những bộ môn học mới như: Hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp. Theo đó, Hoạt động trải nghiệm tiến hành từ lớp 1 đến lớp 9 và hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp tiếp tiến hành ở cấp THPT.
GS.VS Phạm Minh Hạc 

Nhận định về bản dự thảo các Chương trình môn học, hoạt động giáo dục lần này đã có những ý tưởng rất nhân văn, GS.VS Phạm Minh Hạc cho rằng, chúng ta đã có bước chuẩn bị cho học sinh thành người, làm người bằng cách đem trí thức, đem năng lực, đem phẩm chất vào cuộc sống.

Đây là một trong những nhân tố quan trọng, là động lực để đưa đất nước ta phát triển và hội nhập theo yêu cầu mới: Hòa nhập nhưng không hòa tan.

Theo GS.VS Phạm Minh Hạc, cả xã hội, nhất là phụ huynh, học sinh các nhà giáo quan tâm đón đợi các Chương trình môn học và hoạt động giáo dục trong Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được tổ chức như thế nào.

Cuối cùng, sau nhiều năm nghiên cứu, chúng ta cũng đã có được bản dự thảo nêu trên. Nhìn một cách tổng quan thì dự thảo lần này đã phản ánh được yêu cầu đối với việc hình thành giáo dục nhân cách và năng lực của các em học sinh theo quan điểm mới mà cả giáo dục thế giới từ cuối thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ 21 đã xây dựng nên.

“Rõ ràng nét nổi bật mà nhiều năm dư luận xã hội cũng như các thầy, cô giáo cho rằng, Chương trình giáo dục phổ thông trong hai thập kỷ vừa qua là quá nặng, nhiều khi không đủ thời gian để trình bày ở trên lớp. Học sinh của chúng ta ra nước ngoài học thì thấy có nhiều điểm người ta không có học.

Ví dụ như môn Toán, nhiều em nói là sức dư rất là nhiều khi sang Mỹ hoặc sang Anh học. Và đổi mới lần này chúng ta đã rút kinh nghiệm. Điều đó được thể hiện trong biên soạn các Chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Tôi rất hoan nghênh sự tiến bộ này”- GS.VS Phạm Minh Hạc nhấn mạnh.

GS.VS Phạm Minh Hạc: Tôi rất hoan nghênh sự tiến bộ của Chương trình mới
GS.VS Phạm Minh Hạc: Tôi rất hoan nghênh sự tiến bộ  của Chương trình mới

Chương trình tiếp cận cái mới và mang tính thời đại

Cũng theo GS.VS Phạm Minh Hạc, Chương trình lần này đã tập trung vào một triết lý đó là: Phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh. Cụ thể: Điều đó được thể hiện ở trong các giá trị mà nhà trường mang lại cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12.

Thực tế trên thế giới, người ta rất chú ý tới giáo dục giá trị. Cũng đã có các bạn ở nước ngoài vào Việt Nam định đưa bộ môn này vào trong nội dung giáo dục vì nó phù hợp với thời đại mới, mới mẻ của thế kỷ 21.

Nhiều địa phương cũng đã thực hiện được điều này, chẳng hạn như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Nhưng nhiều nơi thì chưa thực hiện. Và lần này, mặc dù chúng ta không có môn giáo dục giá trị riêng nhưng trong nhiều bộ môn, nhất là một số bộ môn khoa học xã hội đã thể hiện rất rõ những giá trị riêng.

Ngoài ra, chúng ta có riêng một môn học là hoạt động trải nghiệm. Môn học này đã thể hiện rõ tính giáo dục các giá trị của thời đại ngày nay –thời đại của thế kỷ 21 cho các em học sinh, để chuẩn bị bước vào đời.

Một trong những nội dung mà GS.VS Phạm Minh Hạc cũng như nhiều bạn bè, đồng nghiệp của ông rất quan tâm đó là: Trong Chương trình giáo dục phổ thông lần này, chúng ta đã làm rất rõ nét đối cấp học THPT – đây được coi là cấp hướng nghiệp.

Điều đó cho thấy, chúng ta rất chú ý tới việc hướng nghiệp cho học sinh. Nghĩa là các em học xong - 16 tuổi thì đã chuẩn bị vào đời và 17 tuổi có thể trở thành người lao động.

Thiết nghĩ, công việc hướng nghiệp như một số tỉnh: Nghệ An Vĩnh Phúc và các tỉnh khác đã thực hiện một vài năm nay được dư luận hết sức đồng tình, phụ huynh hưởng ứng. Có tỉnh 50% học sinh sau lớp 9 đã hướng nghiệp để đi vào lao động và 50% tiếp tục học lên lớp 10 trở lên.

Nhưng không phải tất cả đều nhằm vào các trường đại học hay cao đẳng, mà hướng các em vào học nghề, đi lao động. Đây là yêu cầu của thời đại mà yêu cầu đó phù hợp với trình độ kinh tế xã hội của chúng ta.

“Tôi rất vui vì ý tưởng hướng nghiệp đã được thể hiện rất rõ ngay từ bản dự thảo các Chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong Chương trình giáo dục phổ thông mới” - GS.VS Phạm Minh Hạc nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.