Thuận lợi cho tác giả viết SGK và giáo viên triển khai giảng dạy

GD&TĐ - Chương trình bộ môn Giáo dục công dân đã được soạn thảo công phu, tâm huyết, trí tuệ. Ban soạn thảo đã tiếp thu được nhiều ý kiến đóng góp quý báu của các nhà khoa học, các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước cũng như các giáo viên, các nhà quản lý giáo dục trên cả nước.  Chương trình thuận lợi cho các tác giả viết SGK và các giáo viên triển khai giảng dạy.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

 Chương trình thể hiện rõ các giá trị truyền thống của dân tộc

Tôi đề nghị cần tổ chức biên soạn dạy thí điểm ít nhất là 1 năm cho các trường đại diện thuộc các vùng miền khác nhau trong cả nước, sau khi rút kinh nghiệm về nội dung và phương pháp, quy trình thực hiện sẽ triển khai đại trà.
PGS.TS Ngô Công Hoàn

Theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế của Đảng (Nghị quyết 29 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI), Quốc hội (Nghị quyết số 88/2014/QH13).

Theo đó là Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa Giáo dục phổ thông, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Số 404QĐ-TTg ngày27/3/2015).

Với ý nghĩa đó Bộ GD&ĐT đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học tiếp thu nhiều ý kiến từ các nhà khoa học các cơ quan cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên trong cả nước, các chuyên gia tư vấn quốc tế và công bố dự thảo chương trình trên cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT để xin ý kiến các tầng lớp nhân dân chương trình đã được Hội Đồng Quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông xem xét đánh giá và thông qua.

Chương trình giáo dục phổ thông bao gồm chương trình tổng thể khung chương trình các chương trình môn học và hoạt động giáo dục. Chương trình giáo dục phổ thông môn Giáo dục công dân được nhóm các nhà khoa học xây dựng dự thảo.

Trong quá trình xây dựng, các tác giả đã bám sát vào các quan điểm, mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông, các yêu cầu cần đạt về phẩm chất năng lực, kế hoạch giáo dục; định hướng về nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục phát triển chương trình môn Giáo dục công dân qua giải thích và hướng dẫn thực hiện chương trình

Chương trình môn Giáo dục công dân được dự thảo vào tháng 1/2018. Nhóm các tác giả biên soạn đã thể hiện đầy đủ các định hướng giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, đảm bảo tính khoa học Sư phạm, thực tiễn trên cơ sở đường lối chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và các thành tựu nghiên cứu của nhiều lĩnh vực khoa học liên ngành như: đạo đức học, tâm lý học, giáo dục học, luật học, lý luận chính trị và kinh tế học.

Đặc biệt là có tham khảo kinh nghiệm về phát triển chương trình môn Giáo dục công dân trong những năm gần đây của Việt Nam và một số quốc gia phát triển.

Chương trình thể hiện rõ các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam và những giá trị chung của nhân loại, đồng thời cũng xét đến thực tiễn xã hội, giáo dục, điều kiện kinh tế và truyền thống văn hóa, sự đa dạng của các đối tượng học sinh xét theo phương diện vùng miền, điều kiện và khả năng học tập.

Chương trình đã thể hiện rõ các cách tiếp cận liên ngành, tích hợp nhiều nội dung giáo dục cơ bản về đạo đức giá trị sống, kỹ năng sống, pháp luật kinh tế qua các chủ đề giáo dục quyền trẻ em, quyền và nghĩa vụ công dân, giáo dục môi trường, bình đẳng giới, giáo dục sức khỏe vị thành niên, giáo dục phòng chống ma túy HIV/AIDS, giáo dục tài chính… gắn với đời sống thực tiễn về chính trị, đạo đức, pháp luật, kinh tế, văn hóa - xã hội và các thành tựu khoa học mới. Chương trình thuận lợi cho các tác giả viết SGK và các giáo viên triển khai giảng dạy

Mục tiêu là phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh

Giáo dục công dân được chia làm 2 giai đoạn khá hợp lý. Giai đoạn giáo dục cơ bản là môn Đạo đức ở bậctiểu học. Môn Giáo dục công dân ở bậc THCS - là môn học bắt buộc. Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp - môn Giáo dục kinh tế và Pháp luật - là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh.

Mục tiêu chung của môn học này là hướng vào hình thành và phát triển các phẩm chất nền tảng như: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm, các năng lực cơ bản gồm: năng lực phát triển bản thân, năng lực điều chỉnh hành vi đạo đức, năng lực điều chỉnh hành vi pháp luật, năng lực giải quyết vấn đề về kinh tế.

Từ đó môn Giáo dục công dân góp phần hình thành và phát triển các năng lực chung như: năng lực tự chủ và tự học; năng lực giao tiếp và hợp tác; năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Ở các mục tiêu cụ thể môn Đạo đức ở tiểu học, Giáo dục công dân ở THCS, Gáo dục kinh tế và Pháp luật ở THPT thể hiện rõ các quy luật, cơ chế hình thành và phát triển nhận thức, thái độ (cảm xúc tích cực) hành vi theo các chuẩn mực xã hội, pháp luật. Từ hành vi đến thói quen hành vi; từ ý thức đến tự giác hành động có trách nhiệm theo quyền và nghĩa vụ công dân trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ tổ quốc Việt Nam và hội nhập quốc tế.

Chương trình môn Giáo dục công dân được xây dựng theo hướng mở, định hướng rõ các yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực phù hợp với lứa tuổi từ nhận thức, thể hiện thái độ hành vi và hình thành thói quen hành vi, nề nếp biết vận dụng và tham gia tích cực vào đời sống học tập, giao tiếp xã hội, biết phê phán cái sai, có trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng.

Nội dung giáo dục của môn Giáo dục công dân được xây dựng theo các chủ đề, theo hướng đồng tâm và tuyến tính, có các yêu cầu cần để các tác giả sách giáo khoa, các cơ sở giáo dục và các giáo viên môn học có thể căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, để lựa chọn bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương.

Chương trình môn Giáo dục công dân đã đề xuất gợi ý và nêu rõ tính đặc thù của bộ môn. Theo đó, phương pháp giáo dục cần chú trọng hướng dẫn cho các học sinh hoạt động khám phá, phân tích khai thác thông tin, xử lý các tình huống thực tiễn ,các trường hợp điển hình. Đặc biệt tổ chức hướng dẫn các hoạt động trải nghiệm sáng tạo để học sinh có được nhận thức và cảm xúc xác thực.

Chương trình đã có các chỉ dẫn về đánh giá kết quả giáo dục một cách khách quan, toàn diện, đa chiều bằng cả thang điểm 10 và xếp loại phẩm chất năng lực và các cách quy đổi.

Các giải thích, hướng dẫn thực hiện chương trình khá cụ thể, rõ ràng đảm bảo cho các tác giả sách giáo khoa, các cơ sở giáo dục và các giáo viên môn học triển khai giảng dạy thuận lợi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ