Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi): Đề nghị rà soát quy định thủ tục hành chính

GD&TĐ - Góp ý về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu rà soát loại bỏ

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước. Ảnh: Media Quốc hội
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước. Ảnh: Media Quốc hội

Góp ý về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu rà soát loại bỏ các quy định về thủ tục hành chính ra khỏi dự thảo Luật và giao cho Chính phủ quy định nội dung này.

Bổ sung chính sách việc làm với lao động nữ mang thai

Tham gia phát biểu thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình với việc ban hành Luật như Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội. Việc ban hành Luật việc làm nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về vấn đề việc làm; khắc phục các tồn tại, hạn chế trong Luật Việc làm năm 2013. Đồng thời, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp của hệ thống pháp luật có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước. Đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động.

Góp ý đối với quy định thủ tục hành chính trong dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình bày tỏ quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội tại văn bản số 15/CTQH ngày 29/10/2024 về đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật. Theo đó, trên tinh thần cơ bản không quy định thủ tục hành chính, hồ sơ, trình tự thủ tục trong luật mà giao cho Chính phủ, các Bộ quy định.

Qua nghiên cứu dự thảo Luật, đại biểu nhận thấy còn một số nội dung quy định về thủ tục hành chính như: Trình tự đăng ký lao động (Điều 23); điều chỉnh thông tin về việc làm trong cơ sở dữ liệu về người lao động (Điều 25); trình tự, thủ tục hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động (Điều 63); Trình tự, thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp (Điều 66); trình tự, thủ tục hỗ trợ người lao động tham gia đào tạo nâng cao tay nghề (Điều 74, Điều 77)… Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu rà soát loại bỏ các quy định về thủ tục hành chính ra khỏi dự thảo Luật và giao cho Chính phủ quy định nội dung này.

Đối với quy định về chính sách của Nhà nước về việc làm (Điều 5), đại biểu đồng tình với 9 chính sách quy định tại dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét bổ sung chính sách việc làm đối với lao động nữ đang mang thai và nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Qua đó, nhằm tạo việc làm cho lao động nữ, góp phần thực hiện tốt mục tiêu bình đẳng giới và quyền lợi của lao động nữ khi mang thai và nuôi con nhỏ.

Về đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (Điều 56), đại biểu thống nhất với các nhóm được quy định tại dự thảo Luật. Đại biểu cũng thống nhất cao với việc quy định tại khoản 4 Điều 56 dự thảo Luật.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung nhóm “chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh theo quy định” vào nhóm tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại dự thảo Luật này. Bởi, đây là nhóm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội vừa được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2024 và có hiệu lực từ 1/7/2025. Mặt khác, trong quá trình hoạt động kinh doanh, nhóm này có thể gặp khó khăn dẫn đến mất việc làm và thất nghiệp, như trong thời gian dịch bệnh Covid-19 vừa qua. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nhóm này.

du-thao-luat-viec-lam-2.jpg
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình.

Rà soát, tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp

Trong khi đó, đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước cho biết, việc sửa đổi Luật Việc làm là cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu về quản lý Nhà nước, giải quyết các vấn đề liên quan đến việc làm bền vững; xu hướng phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với hội nhập quốc tế…

Về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, đại biểu Điểu Huỳnh Sang băn khoăn, trong trường hợp nếu người lao động bị sa thải hoặc buộc thôi việc trái pháp luật thì hưởng trợ cấp thất nghiệp ra sao? Khi gặp trường hợp trên, họ vẫn có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết các vụ việc này có thể kéo dài vài năm. Do vậy, đại biểu đề nghị dự thảo Luật làm rõ trong thời gian này, người lao động có được hưởng trợ cấp thất nghiệp hay không.

Liên quan đến mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, đại biểu cho biết, hiện nay, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp, tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng.

Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang, mức trợ cấp này không đủ chi phí cá nhân cho người lao động, chưa kể đến việc lo chi phí cho gia đình. Thực tế, hầu hết doanh nghiệp đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức lương tối thiểu vùng (khoảng 4 triệu đồng/tháng), mức trợ cấp chỉ khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần rà soát, tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% lên 75% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Điều đó phù hợp với thực tiễn cuộc sống hiện nay.

Về thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, dự thảo Luật quy định thời gian hưởng được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 - 36 tháng được hưởng 3 tháng trợ cấp. Sau đó, người lao động cứ đóng đủ 12 tháng thì hưởng thêm 1 tháng trợ cấp, nhưng tối đa không quá 12 tháng. Về vấn đề này, bà Sang đề nghị nghiên cứu bỏ quy định “nhưng tối đa không quá 12 tháng”. Qua đó, nhằm đảm bảo nguyên tắc có đóng có hưởng, đóng đến đâu hưởng đến đó, không giới hạn.

Sáng 27/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Trước đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân, Luật Công đoàn (sửa đổi) và biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều thầy, cô giáo có tác phẩm đoạt giải tại các cuộc thi do Báo GD&TĐ tổ chức.

Bén duyên với 'báo nhà'

GD&TĐ - Từ đọc rồi yêu mến, nhiều nhà giáo trở thành cộng tác 'ruột', người bạn đồng hành có thâm niên với Báo GD&TĐ.

Tên lửa đạn đạo Shahab-3 của Iran.

Hezbollah buộc Israel ngừng bắn

GD&TĐ - Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi cho biết Tehran không muốn đối đầu với Israel, nhưng sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh quy mô lớn nếu xảy ra.

Chương trình tiếng Anh tăng cường từng bước được triển khai rộng rãi tại Quảng Bình.

Gỡ khó cho thầy và trò

GD&TĐ - Ngành Giáo dục Quảng Bình đã không ngừng chỉ đạo đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên để dạy môn tiếng Anh hiệu quả hơn.