Việc xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững…
Người lao động hưởng nhiều lợi ích mới
Tại phiên họp chuyên đề xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, cùng với Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm sửa đổi sẽ góp phần thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc làm, đẩy mạnh hỗ trợ người lao động, xây dựng mạng lưới an sinh xã hội bao trùm, bền vững. Đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, nhất là đối với các luật mới được sửa đổi, bổ sung; phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, Luật Việc làm sửa đổi sẽ mở rộng độ bao phủ, điều chỉnh các chính sách lao động, việc làm đến toàn bộ lực lượng lao động (đối tượng lao động có giao kết hợp đồng lao động và không có giao kết hợp đồng lao động). Luật cũng là cơ sở quan trọng để xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động, đặc biệt có nhóm lao động yếu thế, lao động nghèo, lao động nông thôn, người thất nghiệp và tăng cường cơ hội việc làm cho lao động khu vực phi chính thức.
Luật Việc làm với nhiều ưu tiên, hỗ trợ cho hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm phủ khắp hầu hết các địa phương trên cả nước, giúp lao động tìm việc làm, tiếp cận thông tin việc làm, nghề nghiệp... một cách dễ dàng, thuận tiện. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ học nghề, giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp... thông qua các trung tâm này cũng giúp cho hàng triệu người lao động trên cả nước được thụ hưởng chính sách.
Bên cạnh đó, việc kết nối cung - cầu lao động ngày càng hoàn thiện thông qua các phiên giao dịch việc làm cả trực tuyến và trực tiếp. Mô hình này không chỉ hỗ trợ lao động tìm việc, quay lại thị trường lao động mà còn giúp hàng chục nghìn doanh nghiệp tuyển dụng được lao động phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh...
Tập trung vào 4 chính sách có lợi cho người lao động
Trên cơ sở giải trình, tiếp thu ý kiến của thành viên Chính phủ và Kết luận của Thường trực Chính phủ (Báo cáo số 13/BC-LĐTBXH ngày 1/2/2023), Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi). Theo đó, việc xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) tập trung vào 4 nhóm chính sách.
Nhóm chính sách 1 là quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập. Luật Việc làm (sửa đổi) nhằm mục tiêu hỗ trợ phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước. Nội dung chính gồm: Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động đồng bộ, thống nhất; nâng cao năng lực thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động. Nâng cao chất lượng dịch vụ việc làm (công và tư). Quản lý nguồn lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động đồng bộ, thống nhất, tập trung, chia sẻ và kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia.
Nhóm chính sách 2 là hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động. Mục tiêu của nhóm chính sách này nhằm mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm việc làm cho người lao động, phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động.
Nội dung chính sách, gồm: Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Hỗ trợ người sử dụng lao động để duy trì việc làm cho người lao động, phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp. Quy định nhằm tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cho người thất nghiệp, khắc phục tình trạng người lao động chỉ nhận trợ cấp thất nghiệp. Quy định các vấn đề về bảo hiểm thất nghiệp phù hợp định hướng sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội và chủ trương bỏ mức lương cơ sở theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Nhóm chính sách 3 là phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chính sách này nhằm mục tiêu: Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; tạo thuận lợi cho người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp gắn với đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Các nội dung chính sách, gồm: Quy định đảm bảo đồng bộ, thống nhất khung trình độ quốc gia với khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia; tăng cường sự tham gia của các bên (Nhà nước, người lao động, người sử dụng lao động, cơ sở đào tạo) trong phát triển kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Quy định tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ nghề quốc gia, tăng tính mở và linh hoạt trong việc nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động. Quy định nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề.
Nhóm chính sách 4 là thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững. Mục tiêu nhằm thúc đẩy tạo việc làm theo hướng chủ động, bền vững, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, nhất là cho các nhóm lao động phi chính thức, lao động yếu thế.
Nội dung chính sách, gồm: Quy định chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm theo hướng tạo cơ hội tiếp cận cho mọi lao động có nhu cầu. Quy định chính sách hỗ trợ việc làm theo hướng chủ động, bao phủ cả nhóm lao động phi chính thức, lao động không có giao kết hợp đồng lao động. Quy định các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho một số nhóm lao động yếu thế, đặc thù.
Theo dự kiến, Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2024). Trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2025). Thời gian luật có hiệu lực từ 1/1/2026.