Dự thảo Luật Nhà giáo có tầm quan trọng và được đón nhận rất cao

GD&TĐ - Ngày 29/11, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo góp ý, hoàn thiện Dự thảo Luật Nhà giáo. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng chủ trì hội thảo.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội thảo.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội thảo.

Tham dự hội thảo có lãnh đạo các Cục, vụ thuộc Bộ GD&ĐT, lãnh đạo Báo GD&TĐ cùng các thầy cô đại diện các cơ sở giáo dục ngoài công lập TPHCM.

Dự thảo Luật Nhà giáo bao quát, chăm lo toàn diện cho đội ngũ

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, đội ngũ Nhà giáo có vai trò hết sức quan trọng, quyết định đến chất lượng GD&ĐT không chỉ cho hiện tại mà cả tương lai.

Một trong những nội dung xây dựng 3 đột phá chiến lược của Đảng và Nhà nước ta là: Xây dựng thể chế, xây dựng hạ tầng và xây dựng nguồn nhân lực. Để xây dựng nguồn nhân lực và nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là phục vụ kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đang chỉ đạo và cả hệ thống chính trị cũng đã chuẩn bị bước vào kỷ nguyên đó.

Kỷ nguyên xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ Nhà giáo, trong đó đạo tạo nguồn nhân lực là hết sức quan trọng.

“Ngày 20/11 Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường, trước đó cũng đã thảo luận tại tổ, tổng hợp ý kiến của tổ thư ký có 127 lượt ý kiến tham gia dự thảo. Nhìn chung các ý kiến thống nhất rất cao về sự cần thiết xây dựng luật”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ.

luat-nha-giao-1.jpg
Toàn cảnh hội thảo.

Cũng theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, nguyên tắc, quan điểm, chủ trương xây dựng Luật Nhà giáo với với tinh thần nhất quán, thông suốt là ban hành luật để phát triển đội ngũ Nhà giáo với tinh thần chuyển từ quản lý hành chính trước đây, sang quản trị về chất lượng. Với mong muốn làm sao thu hút được nhiều người có năng lực, có tài, tâm huyết vào ngành sự phạm, gắn bó với nghề. Chính vì vậy Dự thảo Luật Nhà giáo được đón nhận rất cao.

“Hội thảo hôm nay nhằm lắng nghe những ý kiến của thầy cô là đại diện của các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Bởi Việc xây dựng luật nhằm tháo gỡ một số điểm nghẽn trong các văn bản quy phạm pháp luật về Nhà giáo trước đây, trên dưới 200 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có những văn bản chưa bao quát được hệ thống các Nhà giáo ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

Báo cáo tổng quan về Luật Nhà giáo và nội dung xin ý kiến tại hội thảo, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết, trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 10/2024, Bộ GD&ĐT đã tập trung tối đa lực lượng, khẩn trương, nghiêm túc, tạo cơ sở bước đầu trong quy trình soạn thảo Luật Nhà giáo theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cũng theo ông Vũ Minh Đức, Luật Nhà giáo được được đánh giá là luật mới, khó, đối tượng rộng, tác động rộng lớn, có nhiều chính sách quan trọng, liên quan đến nhiều luật. Vì vậy trong quá trình soạn thảo, Bộ GD&ĐT luôn chủ động, cầu thị, lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp để chỉnh sửa, hoàn thiện các nội dung chính sách đáp ứng yêu cầu.

Khẳng định vị thế nghề nghiệp

Tham luận tại hội thảo, bà Trần Thị Ngọc Diễm, Phó trưởng phòng Tổ chức nhân sự, Tổ trưởng Tổ pháp chế của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành khẳng định, Dự thảo Luật đã có rất nhiều thay đổi tích cực, phù hợp cho sự phát triển của Nhà giáo và khẳng định được vị thế của nghề nghiệp này trong xã hội trong đó có đội ngũ nhà giáo ngoài công lập như Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

Tuy nhiên đối với quyền, nghĩa vụ và chính sách đào tạo, bồi dưỡng Nhà giáo, Bà diễm cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm để đáp ứng yêu cầu của việc chuyển đổi số, đổi mới hoạt động giáo dục và xây dựng xã hội học tập ở Việt nam. Đại diện Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cũng đề xuất nội dung xây dựng chính sách tiền lương và các chính sách theo lương của Nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập sẽ giao cho cơ sở giáo dục tự xây dựng, bảo đảm không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ Luật lao động như hiện hành.

luat-nha-giao-3.jpg
Ông Tưởng Nguyễn Sự phát biểu tham luận tại hội thảo.

Cũng tại hội thảo, ông Tưởng Nguyễn Sự, Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Ngô Thời Nhiệm chia sẻ, theo dự thảo của Luật Nhà giáo, giáo viên trường ngoài công lập sẽ được công nhận là Nhà giáo, bình đẳng vị trí, vai trò như nhà giáo công lập. Đây là điều mà các Nhà giáo ngoài công lập rất phấn khởi, là sự ghi nhận, động viên về tinh thần rất lớn đối với đội ngũ này.

Ông Sự cũng đề xuất: “Để hoàn thiện Luật Nhà giáo, chúng tôi nhận thấy Bộ GD&ĐT cần quan tâm, đẩy mạnh việc truyền thông, nâng cao nhận thức của các chủ trường, nhà đầu tư và cán bộ quản lý, giáo viên trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập để nhóm đối tượng này biết, hiểu, quan tâm góp ý và sau này có trách nhiệm thực thi Luật một cách nghiêm túc, có hiệu quả. Ngoài ra cần có cơ chế giám sát việc thực hiện quy định của Luật Nhà giáo nếu được ban hành vì cần có sự cộng đồng trách nhiệm của cả nhà đầu tư, cán bộ quản lý và nhà giáo thì các quy định mới được thực hiện hiệu quả”.

“Để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Nhà Giáo, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hằng trăm cuộc hội thảo, tọa đàm, các cuộc họp tham vấn chuyên gia trong và ngoài ngành; lấy ý kiến các Bộ, cơ quan, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ GD&ĐT và các Bộ, cơ quan, các sở GD&ĐT. Có hơn 800.000 Nhà giáo trong toàn quốc đã tham gia góp ý đối với dự thảo Luật Nhà giáo” ông Vũ Minh Đức cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tranh biện giúp trẻ có khả năng giao tiếp tốt và tư duy logic. Ảnh: INT

Bí quyết dạy trẻ tranh biện hiệu quả

GD&TĐ - Để có thể sở hữu kỹ năng tranh biện, trẻ cần lưu ý tới một số yếu tố như lựa chọn chủ đề, đưa ra lập luận vững chắc, lý lẽ thuyết phục...