Luật hóa dạy thêm

GD&TĐ - Một lần nữa, dạy thêm được đề cập trên nghị trường Quốc hội, khi các đại biểu thảo luận về Luật Nhà giáo.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Lần này, câu chuyện không tập trung vào việc cấm hay không mà hướng tới yêu cầu dự thảo Luật Nhà giáo cần có cơ chế quản lý về dạy thêm.

Thật ra, dạy thêm, học thêm là nhu cầu thực tế và chính đáng của giáo viên, phụ huynh, học sinh. Phụ huynh mong thông qua học thêm con em cải thiện thành tích học tập. Một số cha mẹ không thể đón trẻ kịp lúc tan trường cũng muốn cho con học thêm để phù hợp với giờ làm việc của mình.

Giáo viên có nhu cầu dạy thêm để cải thiện thu nhập. Nghiên cứu của Đại học Quốc gia TPHCM về đời sống giáo viên mầm non và phổ thông (thực nghiệm tại Bình Thuận, Tây Ninh và Hậu Giang) cho thấy hơn 63% trong 12.500 giáo viên tham gia muốn được hợp pháp hóa việc dạy thêm tại nhà và online để tăng thu nhập.

Thầy cô cho biết dù lương cơ sở đã tăng từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng, nhưng thu nhập chỉ đáp ứng một nửa (51,8%) nhu cầu chi tiêu gia đình. Khoảng 25,4% thầy cô cho biết đang dạy thêm trong trường và 8,2% dạy ngoài trường.

Dạy thêm không xấu, vấn đề khiến dư luận bức xúc là việc một số giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, nguyên tắc chuyên môn, ép học sinh phải đi học thêm lớp do mình dạy bên ngoài, dù các em không muốn.

Thực tế có trường hợp học sinh bị “phân biệt đối xử” nếu không học thêm với giáo viên đang trực tiếp giảng dạy; có giáo viên tổ chức dạy vào những khung giờ gây mệt mỏi cho học sinh; có người cắt giảm nội dung chính khóa để đưa vào dạy thêm hay dạy trước chương trình… Dạy thêm mang lại thu nhập nhưng đa số giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường, dạy tại nhà không đóng thuế thu nhập cá nhân.

Hợp pháp hóa dạy thêm là chủ trương đúng vì xã hội có nhu cầu, quan trọng là cần có một cơ chế quản lý sát sao và phù hợp hơn. Gần đây, Dự thảo thông tư quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ GD&ĐT (dự kiến thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT) đã bãi bỏ “lệnh cấm” tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường với giáo viên trường công. Điểm mới này nhận được sự đồng thuận của đông đảo thầy cô.

Dự thảo cũng quy định rõ 5 nguyên tắc trong dạy thêm để hoạt động này lành mạnh, như nguyên tắc tự nguyện; đảm bảo thời lượng, thời gian, địa điểm phù hợp; không cắt giảm chương trình, không dạy trước chương trình… Cùng với đó, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan cũng được quy định cụ thể, rõ ràng hơn. Tuy vậy, thông tư có hiệu lực pháp lý khiêm tốn hơn luật.

Quy định rõ quản lý dạy thêm trong Luật Nhà giáo như nhiều đại biểu đề xuất là cần thiết, không chỉ mang lại hiệu lực pháp lý cao hơn, mà còn đồng thời gắn với trách nhiệm, đạo đức nhà giáo mang tính luật định. Song song đó, Chính phủ cũng cần chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu trình để cơ quan có thẩm quyền quyết định đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhằm tránh biến tướng, giúp thuận lợi trong quản lý, đảm bảo quyền lợi của cả thầy và trò.

Cùng với luật hóa dạy thêm, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của học sinh và phụ huynh đối với việc học thêm; thường xuyên rà soát, điều chỉnh nội dung chương trình - sách giáo khoa, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, để mỗi giờ học chính khóa đều mang lại sự hài lòng cho người học. Bởi suy cho cùng, học thêm cũng không nên được khuyến khích phát triển, xét cả về vấn đề tài chính, thời gian lẫn sự phát triển toàn diện của trẻ.

Nghiên cứu mới của Đại học Georgia (Mỹ) phát hiện học thêm đang góp phần tiêu cực vào các kỹ năng phi nhận thức của trẻ như điều chỉnh cảm xúc và sức khỏe, khả năng phục hồi và kỹ năng giao tiếp. “Các kỹ năng này quan trọng không chỉ đối với hạnh phúc trong tương lai mà còn với sự thành công trong nghề nghiệp”, bà Terry Carolina Caetano - đồng tác giả nghiên cứu và trợ lý giáo sư kinh tế tại Đại học Kinh doanh của UGA (Mỹ) cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tranh biện giúp trẻ có khả năng giao tiếp tốt và tư duy logic. Ảnh: INT

Bí quyết dạy trẻ tranh biện hiệu quả

GD&TĐ - Để có thể sở hữu kỹ năng tranh biện, trẻ cần lưu ý tới một số yếu tố như lựa chọn chủ đề, đưa ra lập luận vững chắc, lý lẽ thuyết phục...