Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đã thể chế hóa các quan điểm, Nghị quyết của Đảng

GD&TĐ - Đó là nhận xét của đa số ý kiến nhân dân khi góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) mà Báo cáo của Chính phủ đã nêu.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Báo cáo nêu rõ, đa số ý kiến cho rằng dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) được xây dựng công phu, về cơ bản đã thể chế hóa được các quan điểm, đường lối tại các Nghị quyết của Đảng.

Nhất là Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Cụ thể như đường lối của Đảng đã thể hiện rõ trong các quy định của dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) về hướng nghiệp, liên thông, phân luồng (Điều 7, Điều 8); về quyền tự chủ của cơ sở giáo dục (Điều 58, 59); về khuyến khích xã hội hóa giáo dục (các Điều: 96, 101, 106); về chính sách đối với nhà giáo và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo (các Điều: 69, 72, 76, 77); về kiểm định chất lượng giáo dục (Điều 108, Điều 109).

Đa số ý kiến cũng cho rằng dự thảo Luật đã cụ thể hóa được các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến giáo dục và đào tạo, bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Cụ thể như các quy định của Luật Giáo dục (sửa đổi) về phổ cập giáo dục và chính sách không thu học phí đối với học sinh thuộc diện phổ cập (Điều 97), đầu tư cho giáo dục thể hiện quy định “phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu" (Điều 94)...

Dự thảo Luật cũng đã kế thừa, phát triển được các quy định còn phù hợp của Luật Giáo dục hiện hành. Những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Luật Giáo dục 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) về cơ bản đều đã có phương hướng giải quyết hợp lý trong dự thảo Luật, tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, những “điểm nghẽn” trong tổ chức và hoạt động giáo dục.

Như các quy định của Luật Giáo dục (sửa đổi) về quản lý nhà nước đối với giáo dục, đào tạo (Điều 102, Điều 103); các quy định về tổ chức quản lý cơ sở giáo dục (Điều 53, Điều 54); quy định về các loại hình cơ sở giáo dục (Điều 45) và về học phí (Điều 97)… Vì vậy, hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao về tính dự báo, tính ổn định lâu dài, tính khả thi và tính hợp lý của dự thảo Luật.

Tuy nhiên, bên cạnh những đánh giá tích cực nêu trên, cũng có một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật vẫn còn một số quy định có nội dung hoặc chưa rõ ràng, chưa hợp lý hoặc chưa giải quyết được triệt để các vấn đề của giáo dục phát sinh trong thực tiễn.

Những vấn đề này cần được khắc phục để bảo đảm quy định của Luật đi vào cuộc sống, tạo hành lang pháp lý điều chỉnh các hoạt động giáo dục.

Tiếp thu ý kiến Nhân dân, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, nghiên cứu, phối hợp với Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, tổ chức có liên quan và các chuyên gia để có những tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...