Luật Giáo dục 2005 quy định về chuẩn trình độ đào tạo của nhà giáo chưa phù hợp, đặc biệt là trình độ giáo viên mầm non và tiểu học khá thấp so với thế giới và khu vực ASEAN. Quy định này không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay; năng lực chuyên môn và phương pháp giảng dạy chưa đáp ứng được yêu cầu; chưa đáp ứng được yêu cầu mà Nghị quyết 29 đặt ra.
Luật Giáo dục hiện hành chỉ quy định chuẩn trình độ đào tạo mà không quy định chuẩn nghề nghiệp của nhà giáo, trong khi đó chuẩn trình độ được đào tạo chỉ là một yếu tố cấu thành chuẩn nghề nghiệp của nhà giáo;
Các quy định về chuẩn trình độ đào tạo được quy định trong Luật Giáo dục 2005 và bậc lương đã gián tiếp kìm hãm động lực tự học, tự nâng cao trình độ của giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.
Từ thực tế trên, hướng chỉnh sửa, bổ sung trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) như sau:
Sửa đổi Luật Giáo dục (Điều 72) để nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non lên cao đẳng sư phạm: đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phải có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm. Nhưng, trong giai đoạn từ nay đến năm 2026 với những môn học chưa đủ giáo viên được đào tạo trình độ ĐH sư phạm thì phải có bằng tốt nghiệp ĐH chuyên ngành tương ứng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Đặt ra lộ trình hoàn thành nâng chuẩn đến năm 2026 và có giải pháp hữu hiệu để đảm bảo tính khả thi của việc nâng chuẩn giáo viên và đảm bảo sự ổn định, an tâm công tác của các giáo viên hiện nay chưa đạt chuẩn (Điều 119 Dự thảo).
Ảnh minh họa |
Tổng hợp của Vụ Pháp chế - Thường trực Ban soạn thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) – về ý kiến góp ý của nhân dân về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo, cơ bản có hai loại ý kiến trước nội dung này.
Trong đó, đa số ý kiến nhất trí với quy định tại Điều 72 của dự thảo Luật về nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non lên cao đẳng sư phạm; đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phải có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm.Trong giai đoạn từ nay đến năm 2026 với những môn học chưa đủ giáo viên được đào tạo trình độ đại học sư phạm thì phải có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành tương ứng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Đồng thời, ủng hộ việc quy định tại Điều 119 dự thảo Luật đặt ra lộ trình hoàn thành nâng chuẩn đến năm 2026 và có giải pháp hữu hiệu để đảm bảo tính khả thi của việc nâng chuẩn giáo viên và đảm bảo sự ổn định, an tâm công tác của các giáo viên hiện nay chưa đạt chuẩn.
Song song với việc nâng chuẩn thì đề nghị cần quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đào tạo gắn liền với phát triển năng lực nghề gắn với thực tiễn từng cấp học, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao chính sách đãi ngộ cho giáo viên
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến băn khoăn rằng các cơ sở giáo dục mầm non rất đa dạng, không phải mọi đối tượng, mọi cơ sở giáo dục mầm non đều cần người lao động có trình độ cao đẳng, đối tượng tham gia là người mẹ, người có nhu cầu làm việc ở môi trường giáo dục mầm non với nhiều hình thức (làm thêm, tạm thời, gắn bó lâu dài).
Chính phủ nhất trí với nhóm ý kiến thứ nhất là sửa đổi, bổ sung quy định tại dự thảo Luật về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo: Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm đối với giáo viên mầm non; có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Đối với những môn học chưa đủ giáo viên được đào tạo trình độ đại học sư phạm thì có bằng tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; có bằng thạc sĩ và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, hướng dẫn luận án tiến sĩ.
Quy định này, nhằm thể chế hoá Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết 88/QH, Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020.