Nhà giáo cần có bảng lương riêng
Góp ý về vấn đề tiền lương của nhà giáo PGS.TS Chu Hồng Thanh - Phó Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, trước yêu cầu của thực tiễn, nhà giáo cần có bảng lương riêng, bởi lao động của nhà giáo có tính đặc thù trong các loại hình đặc thù. Vì thế, nếu có khó khăn, vướng mắc từ thực tế thì xin ý kiến Bộ Chính trị để xác định trong Luật này.
Đồng quan điểm, bà Lê Thị Yến - Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH cho rằng, nhà giáo phải có thu nhập tương xứng, có hệ số phụ cấp cao nhất. “Tôi nhất trí phương án 2 mà Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề xuất là: Cần quy định phụ cấp ngành Giáo dục có hệ số cao nhất để bảo đảm nhà giáo là nghề có thu nhập cao, tương xứng với vị trí, vai trò đặc thù của nhà giáo trong giáo dục và trong xã hội” - bà Yến nêu ý kiến.
Liên quan đến vấn đề này, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, xây dựng chính sách tiền lương thỏa đáng cho nhà giáo là một trong những vấn đề lớn đã và đang đặt ra. Tuy nhiên, Chính phủ đang triển khai xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 – NQ/TW ngày 21/5/2018 Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành T.Ư Khóa XII. Theo đó, vấn đề lương nhà giáo đang được xây dựng theo tinh thần của Nghị quyết này. Xuất phát từ đặc thù của nhà giáo, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) cần thể chế hóa quan điểm của Đảng về lương nhà giáo, bảo đảm nhà giáo là nghề có thu nhập cao, tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo trong xã hội.
Trên tinh thần đó, Thường trực Ủy ban đề xuất hai phương án để xin ý kiến Thường vụ Quốc hội. Cụ thể, Phương án 1: Quy định bảng lương riêng cho nhà giáo bảo đảm tương xứng với đặc thù nghề nghiệp. Đây là quy định khác với tinh thần Nghị quyết số 27 – NQ/TW có 3 bảng lương. Phương án 2: Quy định phụ cấp ngành Giáo dục có hệ số cao nhất để bảo đảm nhà giáo là nghề có thu nhập cao, tương xứng với vị trí, vai trò đặc thù của nhà giáo trong giáo dục và trong xã hội; đặc biệt, trách nhiệm của nhà giáo trong nhiệm vụ bảo vệ người học ở bậc học phổ thông và mầm non khi người học chưa thành niên.
“Chạm” đến nhiều nội dung xã hội quan tâm
Cũng tại phiên họp, nhiều đại biểu nêu ý kiến góp ý về một số vấn đề như giáo dục thường xuyên; trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, phổ cập giáo dục và giáo dục bắt buộc...
Về trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cơ bản nhất trí tiếp thu ý kiến nhân dân về việc nâng chuẩn đào tạo của giáo viên mầm non lên trình độ cao đẳng. Đây là một trong những giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên, chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non không chỉ được quyết định bởi trình độ đào tạo mà còn cần kỹ năng sư phạm, kinh nghiệm và những phẩm chất khác như sự tâm huyết, lòng yêu nghề, tình yêu thương đối với trẻ. Mặt khác, đây là chính sách tác động tới đông đảo các nhà giáo và các cơ sở giáo dục mầm non. Vì vậy, cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về chuẩn đào tạo của nhà giáo, xác định lộ trình, phương thức đào tạo nâng chuẩn để bảo đảm tính khả thi.
Thường trực Ủy ban đề nghị, cần quy định theo hướng mở để tạo sự linh hoạt khi triển khai thực hiện đối với các vị trí việc làm trong các cơ sở mầm non, các nhóm trẻ. Đồng thời, bổ sung nguyên tắc và lộ trình để việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên theo trình độ đào tạo được thực hiện một cách hợp lý, không làm xáo trộn và ảnh hưởng đến công tác tổ chức cũng như hoạt động của các cơ sở giáo dục, đào tạo bảo đảm chất lượng và yêu cầu nghề nghiệp, tránh hình thức, chạy theo thành tích, văn bằng.
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến thảo luận, góp ý, đề xuất của đại biểu và của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Riêng đối với giáo dục mầm non; Thứ trưởng cho biết, hiện nay trong một trường học mầm non có cả lớp nhà trẻ, lớp mẫu giáo. Các giáo viên được đào tạo cả về kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng và dạy dỗ trẻ. Vì vậy, đào tạo trình độ nâng chuẩn cho giáo viên dạy trong các trường mầm non lên cao đẳng là phù hợp với thực tiễn.
Kết luận phiên họp, ông Phan Thanh Bình khẳng định, chúng ta có triết lý giáo dục. Từ năm 1945, Hiến pháp của chúng ta đã quy định giáo dục của chúng ta là dân tộc, đại chúng và khoa học. Một triết lý rất quan trọng đó là, giáo dục là quốc sách và không thương mại hóa giáo dục.
Liên quan đến giáo dục bắt buộc, ông Phan Thanh Bình nhấn mạnh: Giáo dục bắt buộc không chỉ là vấn đề miễn học phí mà còn là trách nhiệm của Nhà nước và người dân. Ngoài ra, chúng ta cần coi trọng kiến thức văn hóa và văn hóa nghề nghiệp. Ông Bình cũng thống nhất, với đề xuất của dự thảo Luật là trình độ chuẩn của giáo viên mầm non là từ cao đẳng trở lên nhưng phải có lộ trình thực hiện. Việc sửa Luật Giáo dục hiện hành cũng cần thống nhất với các luật khác.