(GD&TĐ)- Dự thảo Luật giáo dục đại học được đông đảo các tầng lớp nhân dân, các nhà khoa học, nhà giáo và cán bộ quản lý quan tâm nghiên cứu, góp ý và đã được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật GDĐH trước Quốc hội |
Sau 5 lần dự thảo, dự án Luật Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT là cơ quan soạn thảo) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá trong Báo cáo thẩm tra là: Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí với việc cần thiết ban hành Luật GDĐH để thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới và phát triển GDĐH; tạo hành lang pháp lý thuận lợi và thống nhất để điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến GDĐH, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện GDĐH Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.
Luật Giáo dục ĐH là luật chuyên ngành đầu tiên, cụ thể hóa, bổ sung các quy định khung còn mang tính khái quát của Luật Giáo dục về giáo dục đại học, nâng các quy định tại các văn bản dưới luật đã được thực tiễn kiểm nghiệm và mang tính ổn định thành các nội dung của Luật giáo dục đại học, đồng thời quy định nhũng vấn đề còn chưa được quy định trong Luật Giáo dục.
Dự thảo Luật Giáo dục đại học đã thể hiện rõ quan điểm đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục đại học, trong đó cơ sở giáo dục đại học được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong công tác quản lý tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, về hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học , chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước - mục tiêu xuyên suốt Dự thảo Luật.
Sáng 2/11/2011, tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá XIII, trong phiên làm việc toàn thể tại hội trường, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi đã trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật. Theo đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí với việc cần thiết ban hành Luật GDĐH để thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới và phát triển GDĐH; tạo hành lang pháp lý thuận lợi và thống nhất để điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến GDĐH, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện GDĐH Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.
Về quan điểm, nguyên tắc xây dựng Luật, Báo cáo thẩm tra cho biết Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với quan điểm, nguyên tắc xây dựng Luật GDĐH trình bày tại Tờ trình của Chính phủ và nhấn mạnh: Việc xây dựng Luật phải bảo đảm thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển GDĐH, góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược; việc xây dựng Luật phải hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo; gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; bảo đảm công bằng xã hội trong GDĐH; đổi mới công tác quản lý giáo dục, tăng cường quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở GDĐH. Tiếp nữa, với tư cách là luật chuyên ngành, chuyên sâu cho lĩnh vực GDĐH, các quy định trong Luật GDĐH phải cụ thể, chi tiết và phải có tính khả thi cao.
Đánh giá chung của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội được thể hiện qua Báo cáo thẩm tra cho thấy về cơ bản, việc xây dựng Dự án Luật GDĐH bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, phù hợp với Hiến pháp; nội dung cơ bản không mâu thuẫn với hệ thống pháp luật hiện hành; hầu hết các vấn đề lớn của GDĐH đã được đề cập trong Dự thảo Luật; một số quy định trong các văn bản dưới luật về tổ chức, tài chính tài sản, đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế,… được thực tiễn kiểm nghiệm và có tính ổn định đã được pháp điển hóa.
Chiều 14/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Giáo dục đại học. Tại buổi thảo luật, các đại biểu đều thể hiện sự đồng tình với việc cần thiết ban hành Luật GDĐH để thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới và phát triển GDĐH; tạo hành lang pháp lý thuận lợi và thống nhất để điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến GDĐH, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện GDĐH Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.
PV