Trước hết, xin ông cho biết những đánh giá của mình về Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể?
Với yêu cầu đổi mới giáo dục, Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lần này đã bám sát được chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT của Nghị quyết 29 - NQ/TW, đó là: Phát triển GD-ĐT là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ việc chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Chương trình giáo dục lần này đã cố gắng đưa nền giáo dục của chúng ta thoát khỏi vấn đề đơn thuần là cung cấp kiến thức lý thuyết, chuyển sang nền giáo dục phổ thông nhằm phát triển toàn diện cả về năng lực, phẩm chất, hài hòa đức, trí, thể mỹ và phát huy tiềm năng của mỗi học sinh.
Vậy đâu là những điều mà ông tâm đắc về Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể này?
Thứ nhất, chương trình đã xác định rõ mục tiêu của giáo dục phổ thông đó là dạy học sinh làm người, hình thành phẩm chất, phát triển năng lực của học sinh; Chương trình đã thoát khỏi tình trạng dạy chủ yếu là cung cấp kiến thức, dạy lý thuyết suông. Quan trọng là các em biết mang những kiến thức đã học được để áp dụng vào thực tiễn, mang lại những lợi ích cho xã hội một cách hiệu quả hơn, theo kịp với thế giới.
Thứ hai, chương trình quan tâm đến việc phát triển cá nhân con người. Lâu nay chúng ta theo chủ nghĩa tập thể, mọi thứ đều cào bằng với tinh thần bình quân chủ nghĩa. Vì vậy, chương trình soạn ra cho hàng triệu học sinh học tập như nhau, không có sự phân hóa. Từ miền núi đến hải đảo, nông thôn đều học chung một bộ sách giáo khoa mà chưa quan tâm đến yếu tố phân hóa từng vùng miền, chưa chú ý đến năng lực thực sự của từng con người.
Dự thảo chương trình mới lần này đã đưa giáo dục thoát được khỏi tình trạng trên; thể hiện qua việc đưa vào nhiều bộ môn mới, chương trình mới, tạo ra sự phân hóa, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, phù hợp với năng lực, tiềm năng của con người. Bên cạnh đó, chương trình ở 3 cấp tiểu học, THCS, THPT đã được xây dựng khác nhau. Tiểu học cơ bản vẫn giữ nguyên nhưng chương trình đã bắt đầu thay đổi qua việc quan tâm đào tạo con người toàn diện. Ở cấp THCS, đã đưa giáo dục thể chất, giáo dục âm nhạc, giáo dục nghệ thuật, công nghệ thông tin, tin học ứng dụng vào chương trình và bố trí tương đối hợp lý.
Đến cấp THPT, ban soạn thảo chương trình đưa ra hệ thống các môn bắt buộc, tự chọn bắt buộc, bắt buộc có phân hóa… để các em lựa chọn tùy theo năng lực và sở thích của mình - đó là sự phân hóa rõ ràng. Chương trình cũng đã đưa vào một số bộ môn nhất là trong thời đại cách mạng 4.0, như đưa tin học ứng dụng là một bộ môn riêng, hay giáo dục nghệ thuật, giáo dục âm nhạc cũng trở thành định hướng nghề nghiệp…. Đó là những môn học đáp ứng đòi hỏi nghề nghiệp mà nhu cầu xã hội cũng rất cần. Đây là những điều mới mẻ, bởi nó đảm bảo được vấn đề phát triển toàn diện năng lực cho học sinh và phát huy được khả năng sáng tạo của từng cá thể.
Thứ ba, chương trình đã quan tâm đến vấn đề định hướng nghề nghiệp và đã xác định rõ các giai đoạn định hướng nghề nghiệp, đặc biệt ở giai đoạn THPT. Trong chương trình đã có những môn học thể hiện rõ định hướng nghề nghiệp, như các môn văn hóa nghệ thuật, các môn CNTT với tinh thần định hướng nghề nghiệp cho các em. Chú trọng tới các ngành nghề phục vụ cho xã hội chứ không chỉ có các nghề thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật.
Theo ông để có thể thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể này thì vấn đề đào tạo đội ngũ nhà giáo phải được thực hiện ra sao?
Sự chuẩn bị kỹ càng về chương trình, về đội ngũ, sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các bộ, ngành, địa phương là yếu tố quyết định đối với sự thành công của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Tuy nhiên yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục chính là đội ngũ giáo viên. Giáo viên cần phải thực sự áp dụng và bắt kịp được phương pháp giảng dạy mới: Dạy học thông qua trải nghiệm, chú ý đến vấn đề phát triển năng lực, phẩm chất của người học, thoát khỏi việc giảng dạy bằng lý thuyết suông… Cho nên để giáo viên có thể đáp ứng được với yêu cầu chương trình giáo dục mới, cần phải đào tạo lại đội ngũ.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc chúng ta cần làm ngay đó là phải ưu tiên đào tạo cơ bản lại đội ngũ quản lý, cụ thể là các hiệu trưởng, để họ có đủ trình độ triển khai chương trình đổi mới về từng cơ sở, đến từng giáo viên đứng lớp. Điều này sẽ giảm chi phí và khối lượng công việc so với việc đào tạo lại toàn bộ đội ngũ giáo viên. Bởi hiệu trưởng là người trực tiếp tổ chức triển khai chương trình, vận dụng cơ sở vật chất hiện có, huy động xã hội hóa giáo dục… Họ phải là người thấu hiểu và có năng lực thì mới tổ chức được đội ngũ giáo viên thực hiện thành công quá trình đổi mới. Thực tế, đội ngũ hiệu trưởng của các nhà trường hiện nay đã công tác khá lâu năm, lại được đào tạo phần lớn trong thời kỳ bao cấp nên có những hạn chế nhất định. Vì vậy giải pháp trước mắt là cần đào tạo lại đội ngũ hiệu trưởng thì mới đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục.
Xin cảm ơn ông!