Ông Biden đã ký Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm 2022 hôm qua (27/12), đánh dấu mức tăng 25 tỷ USD so với đề xuất ban đầu của ông và cho phép tăng 5% chi tiêu quân sự của Mỹ từ năm 2021.
Gói chi tiêu khổng lồ trên bao gồm 300 triệu USD cho Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine. Theo những người ủng hộ tại Thượng viện, nó sẽ được dùng để đào tạo và trang bị cho các lực lượng Ukraine để phòng thủ trước cáo buộc “xâm lược của Nga”. 150 triệu USD khác được dành cho “hợp tác an ninh Baltic” – một dự án nhằm ngăn chặn Moscow. Trong khi đó một khoản tiền lớn hơn 4 tỷ USD sẽ được chi cho Sáng kiến Phòng thủ châu Âu, nhằm hỗ trợ các đồng minh NATO của Mỹ.
Gói viện trợ cho Ukraine được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và một số nước phương Tây khác cáo buộc Nga tăng cường lực lượng dọc biên giới với Ukraine. Vào cuối tuần qua, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đe dọa sẽ có “các lệnh trừng phạt chưa từng thấy” nếu Nga có hành động chống lại nước láng giềng.
Mặc dù Moscow khẳng định không quan tâm đến một cuộc xâm lược nhưng Nga cảnh báo không nên mở rộng thêm NATO về phía Đông Âu và coi đây là vấn đề “sinh tử” đối với Nga. Nước này cũng tố cáo sự can dự của phương Tây vào Ukraine.
Cùng với sự tập trung quân sự ngày càng gia tăng của chính quyền ông Biden vào Trung Quốc, NDAA mới cũng bao gồm khoản phân bố 7,4 tỷ USD cho Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương và tuyên bố ủng hộ việc bảo vệ Đài Loan – nơi Bắc Kinh coi là một phần lãnh thổ của mình. Dự luật cũng cấm quân đội Mỹ mua hàng hóa từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc vì cho rằng lao động ở đó bị cưỡng bức.
Tính đến năm ngoái, Mỹ tiếp tục chi cho các lực lượng vũ trang của mình nhiều hơn so với 11 quân đội lớn nhất thế giới sau Mỹ cộng lại, bao gồm quân đội Trung Quốc và Nga – theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm.