Điểm 10 sự kiện nổi bật nhất thế giới năm 2021

GD&TĐ - Năm 2022 đang tới gần, chúng ta hãy nhìn lại những thăng trầm trong năm 2021 qua 10 sự kiện nổi bật dưới đây theo đánh giá của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại - một trong những trung tâm tham vấn uy tín nhất nước Mỹ.

Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Australia Scott Morrison.
Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Australia Scott Morrison.

10. Sự ra mắt của thỏa thuận AUKUS. Ngày 15/9, Tổng thống Mỹ Joe Bide, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố một quan hệ đối tác an ninh 3 bên mới mang tên AUKUS. Phần quan trọng nhất của thỏa thuận là Mỹ cam kết cung cấp cho Australia công nghệ để đóng 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân (nhưng không trang bị vũ khí hạt nhân). Quốc gia duy nhất khác nhận được quyền truy cập tương tự vào công nghệ Mỹ là Vương quốc Anh.

Tuyên bố trên cho rằng hiệp ước này là cần thiết “để duy trì an ninh và ổn định ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

Trung Quốc lên án hiệp ước này là “vô trách nhiệm” và “phân cực”. Trong khi đó Pháp điêu đứng vì AUKUS chấm dứt thỏa thuận trị giá 37 tỷ USD mà họ đã ký với Australia vào năm 2016 để đóng hàng chục tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel-điện. 

9. Khủng hoảng di cư thách thức các quốc gia. Cuộc khủng hoảng di cư vẫn chưa chấm dứt. Tại biên giới phía nam của nước Mỹ, số người nhập cảnh đã đạt con số 1,7 triệu người tính đến tháng 10 vừa qua và đây là con số cao nhất kể từ năm 1960. Đại dịch Covid-19, khó khăn kinh tế, cùng các sự kiện như vụ ám sát Tổng thống Haiti và trận động đất ở nước này đã khiến hàng nghìn người Haiti đi di cư. 

Liên minh châu Âu chứng kiến sự gia tăng 70% người nhập cảnh bất hợp pháp so với năm 2020. Sự gia tăng người di cư qua eo biển Mache từ Pháp đã gây ra xung đột ngoại giao giữa Paris và London. Trong khi đó cuộc khủng hoảng người di cư tại Belarus cũng gây căng thẳng tại châu Âu. 

Những cuộc khủng hoảng này khó có thể giảm bớt trong những năm tới. Khoảng 84 triệu người trên khắp thế giới đã bị buộc phải rời nhà mình. Xung đột, suy thoái kinh tế và biến đổi khí hậu có khả năng đẩy con số này lên cao hơn.

Khủng hoảng di cư tại châu Âu
Khủng hoảng di cư tại châu Âu

8. Tiến bộ về Chương trình hạt nhân của Iran. Vào tháng 2, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chấp nhận lời mời từ Liên minh châu Âu để tham gia lại các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, một số hành động ngoại giao giữa Tehran và Washington đã trì hoãn việc bắt đầu đàm phán tới tháng 4. Sau một vụ nổ tại một cơ sở hạt nhân của Iran vào giữa tháng 4, Iran đã tuyên bố bắt đầu làm giàu uranium lên 60% - mức không được sử dụng cho mục đích dân sự dù nó dưới ngưỡng cần thiết cho một loại vũ khí. Các cuộc đàm phán hạt nhân được nối lại vào cuối tháng 11 nhưng Iran đã bỏ qua những nhượng bộ mà họ đã đưa ra trong các vòng trước đó và tái lập lại yêu cầu ban đầu rằng Mỹ cần dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt.

7. Chuỗi cung ứng bị lung lay. Trong nhiều thập kỷ, các doanh nghiệp cho rằng tận dụng các nguồn lực bên ngoài sẽ là chìa khóa thành công. Nhiều công ty tận dụng tốt chuỗi cung ứng đã thấy chi phí của họ giảm xuống và lợi nhuận tăng lên. Tuy nhiên, Covid-19 đã thể hiện mặt trái của chuỗi cung ứng: tình trạng thiếu hụt và đình trệ ở xa đã tạo ra tình trạng tương tự tại địa phương. Khi đại dịch lần đầu tiên xảy ra, các nhà máy đóng cửa và nhiều công ty hạn chế trữ hàng để tránh hàng tồn không bán được. Tuy nhiên, khi nhu cầu của người tiêu dùng tăng mạnh vào năm 2021 trong bối cảnh có vắc xin, nhiều công ty bị thiếu hụt linh kiện và nguồn cung… Một sự thiếu hụt được chú ý nhiều nhất là chip máy tính, đặc biệt là chip sử dụng trong máy chơi game và sản xuất xe hơi. Ngoài ra, các mặt hàng khác cũng bị thiếu hụt là xăng, dầu cọ, thịt gà, ngô…

6. Taliban quay lại nắm quyền. Tổng thống Mỹ Joe Biden ra lệnh rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan muộn nhất vào ngày 11/9. Khi cuộc rút quân diễn ra, quân đội quốc gia Afghanistan sụp đổ và Taliban thống trị đất nước. Kabul thất thủ vào ngày 15/8, khiến hàng nghìn người nước ngoài mắc kẹt tại thủ đô. 

Mặc dù tuyên bố là sẽ có sự khác biệt nhưng chính phủ mới của Taliban được cho là không thay đổi so với hơn 20 năm trước. Một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn dường như đang bùng phát tại đây.

5. Nội chiến Ethiopia tồi tệ hơn. Thủ tướng Ethiopia Aiby Ahmed được trao giải Nobel Hòa bình 2019 vì làm trung gian hòa bình với nước láng giềng Eritrea, nhưng chưa đầy 2 năm sau, Ethiopia bị cuốn vào một cuộc nội chiến gay gắt. Những nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt giao tranh ở đây cho đến nay vẫn không đi đến đâu. Sang năm mới, Ethiopia có thể phải chứng kiến nhiều điều tiêu cực hơn.

4. Sự xói mòn đối với nền dân chủ tiếp tục diễn ra. Sự xói mòn toàn cầu của nền quản trị dân chủ diễn ra từ năm 2006 tiếp tục diễn ra vào năm 2021. Mỹ lâu nay được xem là có nền dân chủ vững chắc, sự chuyển giao quyền lực một cách hòa bình quen thuộc đã bị phá vỡ bởi một cuộc nổi dậy ngày 6/1.

Trong khi đó các nền dân chủ còn non trẻ ở Myanmar, Chad, Mali, Guinea và Sudan đều bị lật đổ trong các cuộc đảo chính…

Vào tháng 12 vừa qua, Tổng thống Joe Biden đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về Dân chủ để “tập trung vào những thách thức và cơ hội mà các nền dân chủ phải đối mặt”.

Ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ.

3. Ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ. Khi lên nắm quyền, ông Joe Biden đã nhanh chóng thực hiện lời hứa tăng cường quan hệ với các đồng minh của Mỹ. Ông đưa Mỹ trở lại Hiệp định Khí hậu Paris và WHO, gia hạn START mới trong 5 năm, tìm cách phục hồi thỏa thuận hạt nhân Iran và chấm dứt sự hỗ trợ của Mỹ cho các hoạt động quân sự ở Yemen. Những động thái này rời bỏ chính sách “Nước Mỹ trên hết” của người tiền nhiệm Donald Trump.

Đương kim Tổng thống Mỹ cũng hủy bỏ đường ống Keystone XL, rút quân khỏi Afghanistan, ủng hộ việc từ bỏ sở hữu trí tuệ đối với vắc xin và tạo ra AUKUS mà không cần tham vấn ý kiến các đối tác quan trọng. Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan trong sự rối ren, triển khai AUKUS còn vụng về đã góp phần khiến tỷ lệ tín nhiệm trong nước đối với Tổng thống bị sụt giảm.

2. Vắc xin Covid-19 có mặt khi virus đột biến xuất hiện. Tốc độ phát triển vắc xin Covid-19 thật đáng kinh ngạc với thời gian chưa đầy một năm, trong khi các loại vắc xin khác trước đây như vắc xin đậu mùa, bại liệt, sở, quai bị… cần ít nhất 4 năm để tạo ra. 

Vắc xin Covid-19 hàng đầu hoạt động rất tốt, vắc xin của Pfizer và Moderna đều có hiệu quả hơn 90% đối với những biến thể đầu của Covid-19. Hơn 7,4 tỷ liều vắc xin đã được sử dụng tại 184 quốc gia trong 11 tháng đầu năm 2021 với 70 quốc gia tham gia tài trợ.

Tuy nhiên, nhiều người đủ điều kiện tiêm chủng không muốn tiêm trong khi người muốn tiêm lại không được tiêm chủng. Điều này nguy hiểm vì Covid-19 luôn tìm cách thích ứng. Biến thể Delta với khả năng lây nhiễm mạnh hơn và hiện đang thống trị thế giới nhưng sự xuất hiện của biến thể Omicron mới đây đang làm thế giới lo ngại khi hơn 5 triệu người trên thế giới đã chết vì Covid-19.

1. Các quốc gia thất bại trước thách thức biến đổi khí hậu. Báo cáo của Liên hợp quốc công bố vào tháng 8 kết luận rằng nhân loại phải đối mặt với biến đổi khí hậu thảm khốc trừ khi việc phát thải khí giữ nhiệt được cắt giảm. Nhưng người ta không cần phải đọc bản báo cáo dài 4.000 trang để biết điều này. Hình ảnh thời tiết khắc nghiệt, thiên tai áp đảo các trang báo vào năm 2021 giống như nó đã diễn ra trong phần lớn của thập kỷ qua.

Hạn hán kỷ lục bao trùm miền tây nam nước Mỹ, lũ lụt chưa từng có tàn phá Bỉ và miền tây nước Đức, những trận cháy rừng lớn càn quét Hy Lạp… gây nhiều thiệt hại.

Tại cuộc họp COP-26 ở Glasgow vào tháng 11, các nước cam kết thực hiện những bước để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, bao gồm cắt giảm phát thải khí metan. Nhưng cam kết không phải là kết quả. Lượng khí thải carbon tăng vọt vào năm 2021 khi nền kinh tế toàn cầu bùng nổ trở lại. 

Theo CFR

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ