Di sản trong sân trường
Dự án “Con đường di sản” bao gồm chương trình tìm hiểu kiến thức chung về di sản, về các tổ chức di sản quốc tế, các di sản của Việt Nam được công nhận là di sản thế giới; cách phân loại di sản; thiết kế, thực hiện các video clip, các poster, sách mỏng…, đặc biệt là chương trình đi học thực tế tại các địa điểm có nhiều di sản, như những chuyến du lịch về nguồn.
Sau 2 tháng thực hiện, dự án “Con đường di sản” của học sinh Lê Quý Đôn đã kết thúc thông qua buổi tổng kết đầy màu sắc ngay tại sân trường với sự tham gia của toàn thể học sinh.
Nổi bật nhất trong dự án chính là 2 chuyến đi thực địa tại 5 địa điểm: Hội An, Mỹ Sơn, Huế, Hà Nội và Ninh Bình. Học sinh được tìm hiểu về nhiều nét đặc trưng của từng di sản nơi đây, như phố cổ Hội An; Điệu múa Chăm cùng lịch sử thăng trầm của thánh địa Mỹ Sơn; những điện đài, lăng tẩm của cố đô Huế; cảnh sắc hữu tình như tranh vẽ của Tràng An - Ninh Bình; 36 phố phường Hà Nội.
Tham gia dự án, học sinh còn tự tay thực hiện thiết kế trang phục áo dài, poster, brochure… thể hiện góc nhìn của mình trước những di sản đã tạo nên hình ảnh một Việt Nam hào hùng, góp phần quảng bá những nét đẹp dân tộc. Và khép lại dự án, học sinh đã cùng nhau tạo nên không gian văn hóa với những gian hàng trưng bày các di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam được UNESCO công nhận như Thành nhà Hồ, vịnh Hạ Long, Hoàng thành Thăng Long, cao nguyên đá Đồng Văn, động Phong Nha - Kẻ Bàng, phố cổ Hội An, quần thể di tích Cố đô Huế…
Ngoài ra, các em đã có những màn trình diễn hoạt cảnh ấn tượng để tái hiện các di sản văn hóa phi vật thể như Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc; Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên; Tín ngưỡng thờ Mẫu; Đờn ca tài tử Nam bộ; Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ; Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh; Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; Hát xoan Phú Thọ; Ca trù, dân ca Quan họ Bắc Ninh; Nhã nhạc cung đình Huế và Nghi lễ kéo co.
Trước đó, học sinh đã thực hiện những bài luận bằng tiếng Anh với đề tài “Viết về di sản” và làm bài trắc nghiệm kiến thức liên quan đến các di sản thế giới tại Việt Nam, cũng như thực hiện các clip phỏng vấn khách nước ngoài đã từng tham quan một số di sản..., qua đó củng cố kiến thức của mình về khái niệm, ý nghĩa, ảnh hưởng của những di sản đối với con người và cuộc sống.
Tiết mục Cô Đôi Thượng ngàn |
Trân quý cội nguồn, cha ông
Theo ThS Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng tổ Lịch sử của Trường THPT Lê Quý Đôn, một trong những giáo viên phụ trách dự án: Với việc đổi mới dạy học hiệu quả, dự án đã giúp các em học sinh có tinh thần yêu thích môn học, thích thú khám phá, sáng tạo, có ý thức vận dụng kiến thức đã học vào thực tế. Các em được trau dồi kỹ năng làm việc nhóm, phân tích đánh giá dữ liệu, kỹ năng thực địa, quay và dựng video, thuyết trình, giao tiếp, xử lý tình huống… “Các tiết mục góp phần tái hiện không gian văn hóa được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể, nhằm đưa học sinh tiệm cận với cái hay cái đẹp của văn hóa dân tộc. Các em đã khiến các thầy cô giáo bất ngờ với tài năng, sở trường, sự sáng tạo của mình từ việc chuẩn bị các clip đến biểu diễn các tiết mục, thiết kế mỹ thuật, thời trang...”, thầy Đăng Du nhấn mạnh.
Còn với học sinh, nhiều em thú thật ban đầu rất ít quan tâm hoặc chỉ biết sơ qua về các di sản vật thể, di sản phi vật thể. Thậm chí có em không biết tên các di sản văn hóa của Việt Nam được UNESCO công nhận.
Sau khi tham gia dự án, ngoài những kỹ năng có được, các em đã có thêm nhiều kiến thức, hiểu biết sâu sắc hơn về các di sản văn hóa, từ đó cảm nhận được rằng các di sản chính là niềm tự hào của người dân Việt, là minh chứng về một đất nước Việt Nam vừa tươi đẹp, đa dạng về phong cảnh thiên nhiên vừa phong phú bản sắc văn hóa dân tộc, và không ngạc nhiên là điểm đến thu hút của nhiều khách du lịch khắp nơi trên thế giới.
Cùng các bạn tham gia tiết mục tái hiện Hội Gióng, em Võ Tuyết Thy, lớp 12D1 chia sẻ: “Quá trình đến với dự án, tụi em phải tìm hiểu sâu hơn qua sách báo, tài liệu trên mạng, tư liệu tại Thư viện tổng hợp… mới hiểu được tại sao lại có Hội Gióng, tại sao có những tên gọi như Ông Hiệu, Ông Hổ, hay có tục cướp hoa tre, v.v…
Khi nhận ra được ý nghĩa sâu sắc của những nghi thức trong Hội Gióng, bản thân em cảm thấy vô cùng khâm phục trí tuệ dân gian của cha ông ta ngày xưa. Và em mới hiểu ra vì sao cha ông ta đã có ý thức lưu giữ phong tục, nét đẹp của những lễ hội từ đời này qua đời khác. Điều này thắp lên trong em niềm tự hào và nẩy sinh ý thức muốn giữ gìn cũng như quảng bá các nét đẹp di sản văn hóa nước ta không phải vô cớ mà đã được UNESCO vinh danh”.
Gian trưng bày di sản Nhã nhạc cung đình Huế |