Trái ngọt từ đổi mới dạy học

GD&TĐ - Tại kì thi Khoa học kĩ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm nay, học sinh Lào Cai đã xuất sắc đoạt 4 giải Nhất, trong đó Dự án “Rô bốt hỗ trợ bón thức ăn cho bệnh nhân Parkinson sử dụng công nghệ xử lý ảnh” của em Vũ Hoàng Long (học sinh Trường THPT số 1 Thành phố Lào Cai) là 1 trong 10 dự án được chọn tham dự Intel ISEF 2019.

Học sinh Trường THPT số 1 Lào Cai say mê nghiên cứu khoa học 	Ảnh: T.G
Học sinh Trường THPT số 1 Lào Cai say mê nghiên cứu khoa học Ảnh: T.G

Đây là lần đầu tiên Lào Cai có dự án được chọn tham dự Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế, khẳng định những thành quả của ngành GD-ĐT trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học.

Rèn luyện tư duy nghiên cứu khoa học

Nói về dự án của mình, Vũ Hoàng Long cho biết: Với người bình thường, ăn uống là một việc hết sức đơn giản, nhưng với người bệnh Parkinson lại không như vậy. Chỉ cần trong trạng thái nghỉ ngơi, chi bắt đầu bị run. Nếu ở giai đoạn đầu thì người bệnh vẫn có thể tự ăn uống nhưng không thoải mái và càng về sau, chứng run sẽ càng bộc lộ rõ khiến họ không thể cầm chắc đũa thậm chí là thìa để xúc món ăn. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến tâm lí bản thân do người bệnh cảm thấy mặc cảm khi cần người khác hỗ trợ việc ăn uống.

Qua tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng và đặc biệt qua mạng Internet, Vũ Hoàng Long biết trên thế giới đã có nhiều robot có khả năng giải quyết những nhu cầu trên. Ở Việt Nam cũng đã có những người nghiên cứu và chế tạo thành công robot hỗ trợ ăn uống. Đặc biệt nhóm sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM đã chế tạo thành công Feedbot. Đây là robot trang bị cánh tay 3 bậc tự do và một mâm xoay thức ăn có 3 ô chứa.

Tuy nhiên, các robot trên không phù hợp với đối tượng người bị mắc bệnh Parkinson, khi thiết kế không linh hoạt (dùng cằm điều khiển cần) và sử dụng phương pháp điều khiển bằng nút bấm – khó sử dụng với người bệnh Parkinson khi bị run tay, giá thành cao, các sản phẩm sản xuất tại nước ngoài có thể không phù hợp với Việt Nam.

Xuất phát từ những lý do trên và với những kiến thức tìm hiểu được về lập trình và robot, Long đã nghiên cứu, chế tạo được robot hỗ trợ bón thức ăn cho bệnh nhân Parkinson với phương pháp sử dụng công nghệ xử lý ảnh để điều khiển và đem lại sự thuận tiện nhất trong việc phục vụ ăn uống, khắc phục điểm yếu mà các sản phẩm khác đang tồn tại.

Long chia sẻ: “Tham gia cuộc thi giúp HS chúng em có được tư duy như một nhà khoa học, bồi dưỡng thêm niềm đam mê nghiên cứu, biết hướng tới cộng đồng và tạo ra những sản phẩm, những giá trị để hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cũng như nâng cao nhận thức về các vấn đề nóng của xã hội.

Trong thời gian thực hiện đề tài, chúng em được các thầy cô giáo tận tình hướng dẫn, có những hôm thức trắng đêm tại phòng thí nghiệm. Ngoài ra, cô trò vừa phải nghiên cứu trên sách vở, vừa phải tự mình đi thực nghiệm ở nhiều nơi để có được những kết quả tốt nhất phục vụ cho nghiên cứu.

Khơi dậy đam mê

Lý giải về những thành công của học sinh Lào Cai tại kì thi Khoa học kĩ thuật năm nay, thầy Vương Quang Trọng, giáo viên hướng dẫn cho biết: Việc vận dụng kiến thức các môn học vào thực tiễn cuộc sống không chỉ thể hiện ở chỗ học sinh có kĩ năng để giải quyết các vấn đề liên quan đến nội dung bài học mà còn giải quyết các vấn đề đa dạng thực tiễn cuộc sống theo nguyên tắc “học đi đôi với hành, lí thuyết gắn với thực tiễn, nhà trường gắn liền với xã hội.

Để xây dựng hiệu quả mô hình này, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã chỉ đạo sát sao công tác tự chủ xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường; tập trung nguồn lực tiếp tục làm chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục; tạo môi trường giáo dục thân thiện, an toàn cho người học có thể phát huy hết năng lực, sở trường của bản thân. Với tinh thần đổi mới mạnh mẽ trong công tác dạy và học, phương pháp dạy học theo định hướng giáo dục STEM đối với các môn học đã thực sự thu hút được sự quan tâm của phụ huynh, học sinh và đã có những phản hồi tích cực.

Không chỉ là những kiến thức lý thuyết trên sách vở, các em học sinh được áp dụng, trải nghiệm, thực hành, đóng góp, chia sẻ ý tưởng thiết kế, phát triển công nghệ và kỹ thuật trong giờ học. Việc vận dụng lý thuyết nhiều môn học để giải quyết các vấn đề cụ thể, cải tiến tìm giải pháp tối ưu nên hứng thú học tập, góp phần hình thành năng lực, phẩm chất môn học, hình thành các kỹ năng cần thiết.

Với mô hình “Giáo dục STEM phát triển nông nghiệp công nghệ cao” mà nhà trường đang triển khai, thầy trò đã cùng nhau nghiên cứu, vận dụng lý thuyết các bộ môn như Công nghệ, Sinh học, Hóa học, Toán học vào nhiều hoạt động giáo dục và nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Học sinh còn được vận dụng toàn bộ các kiến thức môn học vào các hoạt động như nghiên cứu khoa học, đề xuất ý tưởng mới, chế tạo ra nhiều máy móc hiện đại để phục vụ cho học tập và sinh hoạt như máy đóng dấu để giảm bớt công sức của cô chú văn thư, lập trình và lắp ráp robot dọn vệ sinh.

Với niềm đam mê của mình, các em HS đã tiếp cận, ứng dụng những phương pháp, nền tảng để thiết kế và xây dựng các thiết bị từ đơn giản đến phức tạp mà xã hội cần hoặc đã và đang sử dụng. Bên cạnh đó, các em đã được cung cấp các kiến thức về công nghệ hiện đại sẽ có khả năng sử dụng công nghệ thành thạo, đem lại hiệu quả cao hơn, nhanh hơn, chính xác trong công việc, đáp ứng được nhu cầu tìm kiếm việc làm trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ