Dự kiến xét chứ không thi giáo viên giỏi

Thứ trưởng Bộ GDĐT Lê Hải An và Chánh Văn phòng Nguyễn Viết Lộc chủ trì họp báo. Ảnh: Bá Hải
Thứ trưởng Bộ GDĐT Lê Hải An và Chánh Văn phòng Nguyễn Viết Lộc chủ trì họp báo. Ảnh: Bá Hải

Sẽ sửa đổi quy định về thi giáo viên giỏi

Trước các ý kiến quan tâm đến việc giảm áp lực cho đội ngũ giáo viên, ông Hoàng Đức Minh – Cục trưởng Cục Nhà giáo và CBQL giáo dục – cho biết việc này luôn được Bộ GDĐT quan tâm trong những năm qua.

Ngày 18/1/2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký ban hành Chỉ thị số 138/CT-BGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường. Theo Chỉ thị, Giám đốc sở GDĐT, Trưởng phòng GDĐT và Hiệu trưởng nhà trường tuyệt đối không được quy định thêm hoặc yêu cầu giáo viên có thêm các loại hồ sơ, sổ sách ngoài những loại hồ sơ, sổ sách theo quy định tại Điều lệ hoặc Quy chế nhà trường do Bộ GDĐT ban hành.

Giáo viên được phép chọn hình thức trình bày, viết tay hoặc đánh máy khi sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách theo quy định. Từng bước sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử thay cho các loại hồ sơ, sổ sách hiện hành theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường và khả năng thực hiện của giáo viên.

Theo ông Hoàng Đức Minh, những nội dung trên đã được địa phương ủng hộ và chỉ đạo thực hiện quyết liệt.

Liên quan đến các cuộc thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, ông Hoàng Đức Minh thông tin: Bộ GDĐT đã dự thảo sửa đổi quy định về 2 kỳ thi trên theo hướng chuyển việc thi sang xét giáo viên giỏi thông qua tiêu chí cốt lõi của Chuẩn. Với giáo viên chủ nhiệm giỏi thì gắn với các tiêu chí về giáo dục; với giáo viên dạy giỏi, gắn với tiêu chí về giảng dạy trong chuẩn nghề nghiệp. Tiến tới công nhận thông qua hậu kiểm, qua tiến bộ của người học, qua tín nhiệm của phụ huynh học sinh và cộng đồng.

Đặc biệt, không gắn kết quả thi giáo viên giỏi, chủ nhiệm giỏi với thành tích tập thể; coi đây là sân chơi, qua đó giáo viên không chỉ được tôn vinh mà còn bồi dưỡng nâng cao năng lực.

“Chúng tôi đã trình Bộ trưởng dự thảo này và trong thời gian sớm nhất sẽ công khai trên mạng để lấy ý kiến góp ý” – ông Hoàng Đức Minh chia sẻ.

Ông Hoàng Đức Minh trao đổi tại họp báo. Ảnh: Bá Hải
Ông Hoàng Đức Minh trao đổi tại họp báo. Ảnh: Bá Hải 

Xử lý gian lận tại Hòa Bình, Sơn La là nỗ lực lớn

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an chủ trì, Bộ GDĐT phối hợp mở rộng điều tra xác minh để xử lý các tiêu cực và gian lận có tổ chức tại Hội đồng thi một số địa phương. Kết quả điều tra cho thấy, đã phát hiện 44 thí sinh tại cụm thi Sơn La với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây.

Tại cụm thi Hòa Bình phát hiện 64 thí sinh, trong đó có 63 người năm 2018 và một người năm 2017 có sự thay đổi, điểm chấm thẩm định giảm so với điểm công bố. Theo quy định của Quy chế, kết quả chấm thẩm định là kết quả chính thức của Kỳ thi, được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ,

Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) – cho biết: Cho đến thời điểm hiện tại, căn cứ kết quả điều tra tại công văn thông báo của Bộ Công an và của Cơ quan An ninh Điều tra – Công an tỉnh Sơn La, Bộ GDĐT đã thông báo tới các Sở GDĐT Hòa Bình, Sơn La yêu cầu cập nhật kết quả thi sau khi chấm thẩm định, xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2017, 2018 cho các thí sinh liên quan; cập nhật kết quả chấm thẩm định lên hệ thống phần mềm quản lý thi; thông báo kết quả cho các thí sinh và các ĐH, học viện, trường ĐH, trường CĐ, trung cấp có nhóm ngành đào tạo giáo viên có liên quan.

Bộ GDĐT đồng thời yêu cầu các ĐH, học viện, trường ĐH và các trường CĐ, trung cấp có nhóm ngành đào tạo giáo viên, Cục Nhà trường (Bộ quốc phòng) và Cục Đào tạo (Bộ Công an) liên hệ chặt chẽ với các Sở GDĐT Hòa Bình, Sơn La để có thông tin về kết quả công nhận tốt nghiệp THPT sau rà soát, kết quả điểm thi tại công văn thông báo của Bộ Công an, của Cơ quan An ninh Điều tra – Công an tỉnh Sơn La để xét tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017, 2018 và thông báo kết quả cho các thí sinh liên quan.

“Thực tế cho thấy, việc phối hợp này triển khai rất tốt, đảm bảo xử lý nhanh gọn, không làm ảnh hưởng tới các thí sinh khác” – ông Mai Văn Trinh cho hay.

Ông Mai Văn Trinh trao đổi tại họp báo
Ông Mai Văn Trinh trao đổi tại họp báo 

Thông tin về Kỳ thi THPT quốc gia 2019, theo ông Mai Văn Trinh, sẽ được tổ chức như các năm 2017, 2018, tuy nhiên có một số điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi nhằm khắc phục triệt để các hạn chế, bất cập đảm bảo tổ chức thi khách quan, an toàn, nghiêm túc như:

Điều động các trường ĐH, CĐ đến các tỉnh để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường ĐH, CĐ địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình; quy định chặt chẽ về sắp xếp phòng thi, nhất là đối với các thí sinh tự do; thống nhất quy trình, quy cách niêm phong, lưu trữ, bảo quản bài thi tại Điểm thi và Hội đồng thi. Bộ GDĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ.

Sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng, đảm bảo phòng, chống, đồng thời có thể phát hiện, truy xuất các tác động trái phép vào bài thi.

Tăng cường chỉ đạo các sở GDĐT, các trường ĐH, CĐ thực hiện nghiêm túc công tác lựa chọn, phân công cán bộ thực hiện các khâu của kỳ thi theo đúng quy định của quy chế. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; phối hợp với các cơ quan, nhất là cơ quan Công an để tập huấn kỹ về nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi cũng như kỹ năng phòng chống, phát hiện các gian lận, nhất là gian lận sử dụng công nghệ cao để đảm bảo tổ chức kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng.

Hệ thống phần mềm Quản lý thi và Phần mềm chấm thi trắc nghiệm đã được hoàn thiện, đã tập huấn cho các sở GDĐT, các trường ĐH, CĐ và đã sẵn sàng hoạt động; công tác đăng ký dự thi THPTQG 2019 sẽ được bắt đầu từ 01/4/2019.

Liên quan đến việc nên hay không nên công bố danh tính của phụ huynh, thí sinh liên quan đến sai phạm trong Kỳ thi THPTQG 2018, ông Mai Văn Trinh cho rằng, việc này phải tuân thủ theo Hiến pháp 2013, Luật Dân sự 2016, đặc biệt căn cứ vào tình hình thực tiễn của cơ quan chức năng - ở đây là Bộ Công an.

Ông Nguyễn Xuân Thành trao đổi tại họp báo
Ông Nguyễn Xuân Thành trao đổi tại họp báo 

Năm học 2019-2020: Thực nghiệm bộ SGK do Bộ GDĐT biên soạn

Chương trình GDPT mới được triển khai bài bản, chắc chắn, có lộ trình. Việc tập huấn đội ngũ cũng sẽ được triển khai với cách tiếp cận thực sự khoa học, theo điểm và theo diện. Đồng thời, đổi mới phương pháp tập huấn, kết hợp giữa tập huấn trên mạng và tập huấn trực tiếp.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Lê Hải An

Liên quan đến triển khai chương trình, SGK GDPT mới, ông Nguyễn Xuân Thành – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học thông tin: Thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về việc đổi mới chương trình, SGK GDPT, để chủ động triển khai Chương trình GDPT mới, Bộ GDĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK đầy đủ cho tất cả các môn học. Trong vài ngày tới, Bộ GDĐT sẽ có thư mời và tuyển đội ngũ chủ biên tác giả; sau đó tập huấn để đảm bảo SGK thể hiện được mục tiêu, nội dung của chương trình mới theo phương pháp phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

“Sau khi biên soạn, học kỳ 1 năm 2019-2020, bản thảo SGK được triển khai thực nghiệm ở 1 số cơ sở GDPT, tập trung vào lớp 1. Thực nghiệm những nội dung mới, phương pháp, cách thức tổ chức dạy học để đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất năng lực học sinh” – ông Nguyễn Xuân Thành cho biết.

Liên quan đến bồi dưỡng đội ngũ cho chương trình GDPT mới, theo ông Nguyễn Xuân Thành, Bộ GDĐT đã chuẩn bị kế hoạch cụ thể để triển khai, tập trung bồi dưỡng cho 4 đối tượng: CBQL cấp sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các cơ sở GDPT; giáo viên; giảng viên sư phạm chủ chốt. Nội dung tập huấn bám theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn hiệu trưởng cơ sở GDPT.

Năm 2019 sẽ tập trung bồi dưỡng cho các đối tượng nói trên hiểu về mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục, kiểm tra đánh giá cũng như các điều kiện cần thiết để triển khai chương trình GDPT mới với nội dung sát với từng đối tượng được tập huấn.

Để làm được việc này, phương thức bồi dưỡng sẽ kết hợp giữa bồi dưỡng qua mạng và trực tiếp. Việc thiết kế nội dung bồi dưỡng trên mạng được quan tâm. Các khóa tập huấn không chỉ cung cấp kiến thức lý thuyết mà còn tập trung nhiều vào nghiên cứu trường hợp cụ thể, có bài học minh họa; nội dung bồi dưỡng được thiết kế sát với công việc hàng ngày của mỗi giáo viên trong quá trình triển khai dạy học trong nhà trường...

Liên quan đến kết quả cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm 2019 (VISEF 2019), ông Nguyễn Xuân Thành – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học – đã chia sẻ chi tiết quá trình chấm và thẩm định kết quả cuộc thi:

 Bộ đã có quyết định thành lập Hội đồng chấm thẩm định cuộc thi gồm các nhà khoa học có uy tín về lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi; lĩnh vực khoa học cơ khí. Kết quả chấm thẩm định, các đề tài được trao giải Nhất là hoàn toàn xứng đáng vì có số liệu đầy đủ, tin cậy, có sáng tạo trong nghiên cứu, lựa chọn đối tượng.

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học đã được tổ chức năm thứ 7. Những năm qua, năm nào học sinh Việt Nam cũng đoạt giải trên trường quốc tế.

Cho rằng cần tiếp tục duy trì cuộc thi, ông Thành đồng thời cho biết sẽ nghiên cứu, tham mưu để xem xét việc nên tiếp tục hay không việc được cộng điểm khuyến khích từ kết quả cuộc thi này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ