Theo Luật Quản lý nợ công, nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. Nghị quyết số 10/2013/QH13 của Quốc hội quy định đến năm 2015 nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.
Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 quy định nợ công đến năm 2020 không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không kể vay về cho vay lại) không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước.
Đến cuối năm 2013, nợ công bằng 54,2% GDP (trong đó nợ Chính phủ 42,3%, nợ Chính phủ bảo lãnh 11,1%, nợ của chính quyền địa phương 0,8%) và nợ nước ngoài của quốc gia bằng 37,3% GDP.
Dự kiến cuối năm 2014 nợ công khoảng 60,3% GDP (trong đó nợ Chính phủ 46,9%, nợ Chính phủ bảo lãnh 12,6%, nợ của chính quyền địa phương 0,8%) và nợ nước ngoài của quốc gia bằng 39,9% GDP. Các chỉ tiêu này nằm trong giới hạn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội.
Thời gian qua, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, kinh tế nước ta tăng trưởng chậm lại, tỷ trọng thu ngân sách thấp hơn cùng kỳ nhưng vẫn phải giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp (tỷ lệ huy động thuế, phí vào ngân sách nhà nước giảm từ 24,8% GDP bình quân giai đoạn 2006-2010 xuống còn 21% GDP giai đoạn 2011-2015).
Trong khi đó, yêu cầu chi ngân sách tăng mạnh, phải dành nguồn kinh phí lớn cho thực hiện các chính sách kích thích kinh tế, cải cách tiền lương, bảo đảm an sinh xã hội (tỷ trọng chi cho con người trong tổng chi thường xuyên tăng từ 62,2% lên 68,2%; giai đoạn 2011-2014 đã 3 lần điều chỉnh tăng lương tối thiểu và 2 lần tăng phụ cấp công vụ; chi an sinh xã hội tăng bình quân 18%/năm, cao hơn tốc độ tăng khoảng 10% của thu, chi ngân sách).
Do đó, nguồn ngân sách nhà nước còn lại để bố trí cho trả nợ và đầu tư phát triển là rất hạn hẹp trong khi nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện đột phá chiến lược về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội là rất lớn.
Vì vậy, giai đoạn 2011-2015 phải phát hành trái phiếu Chính phủ 335 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 2,5 lần giai đoạn 2006-2010 (giai đoạn 2011-2014 đã phát hành 250 nghìn tỷ đồng, năm 2015 theo kế hoạch phát hành thêm 85 nghìn tỷ đồng), đồng thời đã đẩy mạnh giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi và bảo lãnh vay để đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, thủy lợi, năng lượng, y tế, giáo dục, xây dựng nông thôn mới… theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
Do đó, nợ công tăng nhanh, từ 51,7% GDP năm 2010 lên 60,3% GDP vào cuối năm 2014 và 64% GDP vào cuối năm 2015.
Mặt khác, nước ta đã trở thành nước có thu nhập trung bình nên tỷ trọng vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài với kỳ hạn dài, lãi suất thấp trong nợ công giảm dần nên chúng ta chuyển sang vay trong nước theo tinh thần Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chiến lược nợ công.
Tỷ trọng vay trong nước tăng lên, chủ yếu qua phát hành trái phiếu Chính phủ ngắn hạn (năm 2012, kỳ hạn phát hành bình quân là 2,9 năm, lãi suất bình quân 10%/năm; năm 2013 là 3,4 năm và 7,96%/năm; 10 tháng đầu năm 2014 là 4,84 năm và 6,81%/năm) dẫn đến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ tăng nhanh trong ngắn hạn.
Trong bối cảnh đó, chúng ta vẫn bảo đảm trả nợ đầy đủ, không để phát sinh nợ quá hạn. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2014 ước khoảng 14,2% (theo quy định của Chiến lược nợ công là không quá 25%).
Ngoài ra, còn sử dụng một phần vay mới để đảo nợ với kỳ hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn, góp phần giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn và giảm chi phí vay vốn (năm 2014 vay đảo nợ khoảng 77 nghìn tỷ đồng). Việc đảo nợ này không làm tăng nợ công và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Nợ công là nguồn vốn quan trọng để bổ sung cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội. Trên 98% vốn vay được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng, phần còn lại được đưa vào ngân sách nhà nước cho chi đầu tư (1,5%) và một phần chi sự nghiệp trong các dự án vay ODA theo cam kết (0,4%).
Nhiều công trình quan trọng, thiết yếu về giao thông, điện, nước, thủy lợi, y tế, giáo dục… đã hoàn thành, phát huy hiệu quả và đang tiếp tục đầu tư xây dựng nhiều công trình mới, góp phần thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, qua đó sẽ tăng thu ngân sách và bảo đảm được nguồn trả nợ.
Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương:
(1) Tập trung quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới (gồm vay của Chính phủ, vay được Chính phủ bảo lãnh và vay của chính quyền địa phương), bảo đảm trong giới hạn cho phép và an toàn tài chính quốc gia; tập trung đầu tư cho các công trình hạ tầng kinh tế xã hội thiết yếu theo quy hoạch.
(2) Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả và theo đúng quy định.
(3) Khẩn trương cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng nhanh tỷ trọng vay dài hạn với lãi suất thấp.
(4) Kiểm soát chặt chẽ việc bảo đảm trả nợ đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh và thu đủ nợ đối với các khoản vay về cho vay lại.
(5) Bố trí nguồn từ ngân sách nhà nước trong giới hạn theo quy định và sử dụng Quỹ tích lũy trả nợ để trả nợ đúng hạn.
(6) Rà soát, hoàn thiện thể chế, sửa đổi bổ sung Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công, Chiến lược và Chương trình quản lý nợ công trung hạn.
Phấn đấu giảm dần các chỉ tiêu nợ công trong giai đoạn 2016 – 2020 để đến năm 2020 nợ công khoảng 60,2% GDP, nợ Chính phủ khoảng 46,6% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 46% GDP và tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước khoảng 20% (giới hạn quy định là không quá 25%). Bảo đảm an toàn tài chính quốc gia.