Du khách Việt cần tôn trọng văn hóa du lịch

GD&TĐ - Văn hóa du lịch cũng góp phần làm nên nét văn hóa của một dân tộc. Tuy nhiên, hiện nay những hành vi chưa đẹp của nhiều du khách Việt đã khiến ngành du lịch của chúng ta không khỏi bị ảnh hưởng.

Du khách Việt cần tôn trọng văn hóa du lịch

Và nếu vẫn mang phong cách này đi du lịch ra thế giới, chắc hẳn chúng ta sẽ làm mất đi những thiện cảm của bạn bè năm châu.

Nỗi buồn mang tên khách du lịch

Theo thống kê, năm 2015, có khoảng 45 triệu người Việt du lịch trong nước và hơn 6 triệu người đi du lịch nước ngoài, kéo theo đó là hàng loạt những thói xấu của người Việt được mang đi “quảng bá” trong mắt bạn bè quốc tế. Mặc dù những thói hư tật xấu này chỉ nằm trong một bộ phận nhỏ du khách. Tuy nhiên, chính những điều này đã và đang làm xấu đi hình ảnh người Việt, đặc biệt là khi họ đi ra nước ngoài.

Mới đây, tại hội nghị của ngành du lịch, một đại diện của Công ty du lịch Lửa Việt đã chỉ rõ những thói xấu trong phong cách ứng xử của người Việt khi đi du lịch như: Hình ảnh người Việt mặc đồ ngủ, đi bộ ra ngoài khá phổ biến, thậm chí cả xuống hồ bơi, ra bãi biển, đi chợ, đi dạo... ở nước ngoài. Việc nói chuyện hay gọi điện thoại ở nơi công cộng, thậm chí nói tục chửa thề vẫn xuất hiện một cách ngang nhiên ở nhiều bạn trẻ.

Về tác phong, người Việt rất ít khi đúng giờ, chẳng vậy mà trong các thư mời của Việt Nam luôn có thêm dòng đề nghị “Tham dự đúng giờ”. Thói quen này gây không ít phiền hà, khó chịu cho người khác đặc biệt với các đối tác hoặc các đoàn là người nước ngoài. Vấn đề giữ vệ sinh chung cũng chưa được nhiều người quan tâm. Thói quen xả rác ngay tại khu du lịch đã ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường cảnh quan chung…

Vị đại diện này còn chia sẻ: Một số người Việt thích trốn vé tàu điện, vé tham quan... có khi còn tự hào xem đó là chiến tích qua mặt được thiên hạ. Họ đi chơi chủ yếu là để chụp hình, không nghe thuyết minh, ít chịu tìm hiểu lịch sử, văn hóa...

Nhiều khách du lịch luôn coi mình là thượng đế để có những hành xử tréo ngoe đòi hỏi phi lý. Thậm chí đi ra nước ngoài, một số du khách Việt còn có tật táy máy, thích “cầm nhầm” đồ người khác, nhất là trong các cửa hàng – cửa hiệu nước ngoài là việc cần phải tẩy chay.

Cùng hành động để nâng cao hình ảnh du lịch

Trước những hành vi chưa đẹp của khách du lịch tại các điểm tham quan trong và ngoài nước, Hiệp hội du lịch Việt Nam đã đưa ra những giải pháp nhằm hạn chế bớt tình trạng này.

Cụ thể Hiệp hội đã đưa ra 10 hành vi đẹp ứng xử khi đi du lịch để vận động người dân cùng thực hiện như: Giữ nụ cười thân thiện, chào hỏi và nói lời cảm ơn, xin lỗi trong giao tiếp; xếp hàng trật tự, không chen lấn, xô đẩy, không gây ồn ào nơi công cộng; không lãng phí thực phẩm, không lấy thừa thức ăn, đồ uống; không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ môi trường; hãy tôn trọng và có ý thức nhường đường cho người khác, tuân thủ luật lệ giao thông; giúp đỡ, ưu tiên cho người lớn tuổi, người tàn tật, phụ nữ và trẻ em; tôn trọng phong tục, tập quán và văn hóa của mỗi địa phương; lắng nghe thuyết minh và tìm hiểu thông tin về các điểm du lịch khi tham quan; không vẽ, chạm khắc, sờ vào những hiện vật của các di tích, các điểm trưng bày; quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ với các thành viên cùng đoàn khi đi du lịch.

Theo thạc sỹ Trịnh Lê Anh - giảng viên Khoa Du lịch (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) thì vai trò của những người trực tiếp giao tiếp với du khách như: Hướng dẫn viên, điều hành tour, bán tour rất quan trọng trong việc tư vấn cho du khách những điều nên làm và không nên, không được làm. Bởi đa phần khách của ta ra nước ngoài thiếu thông tin, thiếu cả khả năng sinh tồn ở nước ngoài, yếu kỹ năng tự lập cá nhân.

Do vậy, những người làm du lịch tiếp xúc trực tiếp với du khách cần nêu cao tinh thần kiểm soát, định hướng hành động cho khách. Thạc sỹ Lê Anh cũng cho rằng, thực tế số đông du khách Việt vẫn có những ứng xử chuẩn mực, do vậy truyền thông không nên chỉ trích thái quá về hành vi của du khách Việt Nam để tránh tình trạng du khách Việt tự ti khi đi ra nước ngoài.

Rõ ràng, việc xây dựng thương hiệu cho ngành du lịch ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, thì việc tuyên truyền ý thức văn minh lịch sự cho du khách khi đi du lịch là điều hết sức quan trọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ