Nam Phi: Giáo dục đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0

GD&TĐ - Khi chính phủ Nam Phi đang thúc đẩy các điều kiện chuẩn bị cho đất nước sẵn sàng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ Giáo dục cơ bản nói rằng họ sẽ sớm đào tạo giáo viên cho một chương trình giảng dạy mã hóa mới, có hiệu lực từ năm 2020.

Việc thực hiện mã hóa trong hệ thống giáo dục cơ bản ở Nam Phi sẽ tập trung vào các lớp từ 7 - 9. Ảnh: Prince Academy.
Việc thực hiện mã hóa trong hệ thống giáo dục cơ bản ở Nam Phi sẽ tập trung vào các lớp từ 7 - 9. Ảnh: Prince Academy.

Thích nghi và tận dụng

Đã có những lo ngại được đặt ra rằng, hệ thống giáo dục và lao động của Nam Phi dường như chưa sẵn sàng cho sự thay đổi tất yếu đối với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Một nghiên cứu gần đây của Công ty tư vấn toàn cầu Accdvisor phát hiện ra rằng, gần 6 triệu việc làm ở Nam Phi sẽ rơi vào nhóm có nguy cơ mất việc trong 7 năm tới, do tự động hóa.

Nghiên cứu nhấn mạnh, cả hai loại hình công việc “cổ xanh” (lao động chân tay) và “cổ trắng” (lao động trí óc) đều có nguy cơ mất vị trí việc làm trong tương lai. Những nghề nghiệp này bao gồm nhân viên văn phòng, nhân viên thu ngân, giao dịch viên ngân hàng, công nhân xây dựng, nhân viên khai thác và bảo trì.

Tuần trước, Tổng thống Nam Phi, ông Cyril Ramaphosa, đã chỉ định các thành viên của Ủy ban Tổng thống về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để đề xuất các chính sách, chiến lược và kế hoạch nhằm đưa Nam Phi trở thành một đối thủ cạnh tranh trong không gian kỹ thuật số trên thế giới.

Trong tuyên bố về tình trạng quốc gia, được đưa ra vào tháng 2 vừa qua, Tổng thống Ramaphosa đã nhấn mạnh sự cần thiết của đất nước để thích nghi và tận dụng những tiến bộ mang tính cách mạng trong công nghệ.

“Trừ khi chúng ta thích nghi, trừ khi chúng ta hiểu bản chất của sự thay đổi sâu sắc đang định hình lại thế giới này và trừ khi chúng ta sẵn sàng nắm lấy những cơ hội mà cách mạng công nghiệp mang lại, thì lời hứa về sự ra đời của đất nước chúng ta sẽ mãi mãi không được thực hiện”, Tổng thống Ramaphosa nói trong tuyên bố về tình trạng quốc gia.

Khối lượng công việc khổng lồ

Bộ Giáo dục cơ bản (chịu trách nhiệm về giáo dục tiểu học và trung học; khác với Bộ Giáo dục và Đào tạo Đại học, chịu trách nhiệm về giáo dục sau trung học và giáo dục đại học - ND) cho biết kế hoạch về chương trình giảng dạy mới này là thí điểm mã hóa và robot như một môn học trong 1.000 trường học được lựa chọn, bắt đầu từ năm 2020.

Để phục vụ cho chương trình, sẽ phải đào tạo ít nhất 3 giáo viên ở mỗi trường, trong số 16.000 trường tiểu học trên khắp Nam Phi, để dạy mã hóa. Việc thực hiện mã hóa trong hệ thống sẽ tập trung vào các lớp từ 7 - 9.

Bà Angie Motshekga, Bộ trưởng Bộ Giáo dục cơ bản, cho biết các công ty công nghệ khác nhau, bao gồm gã khổng lồ công nghệ Google và Teen Geek - một tổ chức phi chính phủ dạy trẻ em cách viết mã - đang hỗ trợ bộ phận phát triển nền tảng mã hóa. Nền tảng này sử dụng trí tuệ nhân tạo và học máy để tùy chỉnh việc dạy và học.

Về lâu dài, chúng ta phải thay đổi toàn bộ hệ thống giáo dục của đất nước, để chuẩn bị cho người học sẵn sàng đối diện với một tương lai sẽ có đòi hỏi cao về các kỹ năng giải quyết vấn đề và khả năng hợp tác. 

Trong bài trả lời bằng văn bản cho một câu hỏi từ đảng “Những người đấu tranh cho tự do kinh tế (EFF)” tại Quốc hội Nam Phi, bà Motshekga cho biết bên cạnh việc đào tạo được cung cấp bởi chính quyền các tỉnh, Bộ Giáo dục cơ bản sẽ phải trực tiếp đào tạo khoảng 44.000 giáo viên về kỹ năng máy tính. “Các giáo viên sẽ được đào tạo về mã hóa từ tháng 6 - 9/2019”, bà Motshekga nêu rõ.

Trả lời một câu hỏi khác từ đảng Tự do Inkatha (IFP), bà Motshekga cho biết chính phủ sẽ làm việc với khu vực tư nhân để nhanh chóng nắm bắt và theo dõi sát cuộc “đại tu công nghệ” cho hệ thống giáo dục.

“Nền giáo dục cơ bản (của Nam Phi) đang trên một quỹ đạo hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chúng tôi nhận thấy rằng, điều quan trọng là cần phải có sự tham gia của các bên liên quan chủ chốt, chẳng hạn như công đoàn giáo viên, để cung cấp quản lý thay đổi, đào tạo và hỗ trợ hiệu quả; không chỉ cho giáo viên mà còn cả cố vấn môn học cũng như các nhà phát triển chương trình giảng dạy”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục cơ bản nói.

Ưu tiên phát triển con người

Bà Motshekga cũng cho biết, các chương trình triển khai ở cấp tỉnh (do chính quyền mỗi địa phương đảm nhiệm, trên cơ sở hỗ trợ chuyên môn của Bộ Giáo dục cơ bản và các đơn vị đối tác được lựa chọn) về công nghệ thông tin và truyền thông, đào tạo tích hợp cho cả giáo viên và cố vấn môn học, đã được triển khai từ năm 2005. Đào tạo được phân thành ba cấp độ: Kỹ năng cơ bản, kỹ năng trung gian và kỹ năng nâng cao.

Arthur Goldstuck (nhà báo, nhà phân tích công nghệ và truyền thông hàng đầu của Nam Phi; có tiếng nói và sự ảnh hưởng lớn trong sự phát triển của Internet và công nghệ truyền thông ở nước này - ND) từng nhấn mạnh rằng, hệ thống giáo dục và lao động của Nam Phi chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Do vậy, cần phải đáp ứng với những thay đổi công nghệ trong thời gian dài.

“Về lâu dài, chúng ta phải thay đổi toàn bộ hệ thống giáo dục của đất nước, để chuẩn bị cho người học sẵn sàng đối diện với một tương lai sẽ có đòi hỏi cao về các kỹ năng giải quyết vấn đề và khả năng hợp tác. Bởi vì công nghệ sẽ phát triển quá nhanh để có thể kịp chuẩn bị cho các công nghệ cụ thể trong hệ thống giáo dục, nên cách tiếp cận phải là tạo ra một phương pháp phát triển các khả năng như suy nghĩ, phân tích, giải quyết vấn đề và cộng tác”, ông Goldstuck khuyến cáo.

Theo BusinessLive

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ