Theo đó, các trường học tại Anh sẽ dạy cho các học sinh thậm chí từ lứa tuổi thứ 4 về tầm quan trọng của việc chăm sóc bản thân và sức khỏe tâm thần theo chương trình phù hợp.
Các em nhỏ sẽ được học về cách đối mặt với các chứng trầm cảm, hồi hộp qua việc ngủ đủ giấc, dành nhiều thời gian vui chơi ngoài trời, tập thể dục, chế độ ăn uống lành mạng và chơi đùa cùng bạn bè thay vì dành quá nhiều thời gian lướt Internet.
Trong các lớp học này, giáo viên sẽ dạy các em không thức quá khuya để dùng điện thoại, cách hành xử khi gặp những nội dung không lành mạnh trên mạng, về việc tôn trọng người khác cũng như những hiểm họa từ việc nói chuyện với người lạ trên Internet.
Học sinh tiểu học sẽ được học về an toàn trên mạng Internet và việc sử dụng Internet cho phù hợp với lứa tuổi. Nội dung giảng dạy về an toàn trên mạng sẽ bao gồm cách báo cáo về những nội dung độc hại trên mạng Internet, cách Internet có thể lan truyền những nội dung không lành mạnh về tình dục và các mối quan hệ.
Học sinh trung học sẽ được học cách phát hiện dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe tâm thần như chứng hồi hộp và trầm cảm ở bản thân và bạn bè xung quanh như hoạt động ăn, ngủ bị xáo trộn, thường xuyên cảm thấy lo lắng và có suy nghĩ tiêu cực. Các em sẽ được học cách biểu đạt những vấn đề về cảm xúc của bản thân cũng như về tác hại của bia rượu, ma túy lên sức khỏe.
Các nhà trường sẽ được tự quyết cách truyền đạt những nội dung trên tới học sinh. Chính phủ Anh đã thông qua khoản ngân sách 6 triệu bảng Anh để cung cấp trang thiết bị dạy học cũng như huấn luyện giáo viên.
Quyết định trên được đưa ra sau những khuyến cáo ngày càng gia tăng về việc dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội gây ảnh hưởng lên sức khỏe tâm thần của trẻ nhỏ và khiến bệnh trầm cảm gia tăng ở các em.
Một khảo sát do hiệp hội Nasuwt tiến hành tại Anh vào năm 2018 cho thấy, trẻ em từ 4 tuổi tại Anh đã gặp các triệu chứng trầm cảm, hồi hộp. Học sinh tiểu học tại nước này đã gặp vấn đề về rối loạn ăn uống, tự làm hại bản thân và thậm chí là tự tử.
Các chuyên gia cho rằng các trang mạng xã hội như Facebook hay Instagram khiến trẻ dễ tiếp xúc với những hình ảnh về việc tự làm hại bản thân hay các hành động bắt nạt.
Ngoài ra, hình ảnh về cuộc sống hào nhoáng trên các trang mạng xã hội khiến các em dễ có cảm giác tự ti và cái nhìn thiên lệch về cuộc sống.
Vụ việc nữ sinh người Anh 14 tuổi Molly Russell tự tử năm 2017 đã làm gia tăng dư luận xã hội kêu gọi chính phủ Anh hành động để bảo vệ trẻ em trước các nguy cơ trên mạng. Cha của em cho rằng con gái ông đã bị ảnh hưởng bởi các nội dung về tự tử và tự làm hại bản thân trên mạng xã hội.
Bộ trưởng Giáo dục Anh Damian Hinds cho biết: “Các lớp học sẽ giúp trẻ em học cách tự chăm sóc bản thân cả về thể chất lẫn tinh thần.
Việc trưởng thành là một quá trình đầy khó khăn, Internet và mạng xã hội lại mang đến những áp lực mới mà chỉ một thế hệ trước đó thôi không hề biết tới.
Cách con người tương tác với nhau đã thay đổi rất nhiều, và trong thế giới mới này, giới hạn giữa đời thực và Internet đã trở nên rất mong manh”.
Chuyên gia giáo dục Javed Khan bày tỏ sự ủng hộ với quyết định trên của chính phủ: “Mặc dù Internet mang đến những cơ hội học hỏi và vui chơi tuyệt vời, nó cũng chứa đựng những nguy cơ bắt nạt trên mạng, nghiện game…
Trước tình trạng 1/8 học sinh có triệu chứng về vấn đề sức khỏe tâm thần, việc các nhà trường có trách nhiệm giáo dục về sức khỏe tâm thần là rất đáng được hoan nghênh”.
Tuy nhiên, ông Chris McGovern thuộc tổ chức Campaign for Real Education lại bày tỏ quan điểm: “Tôi cho rằng những học sinh tiếp xúc với những nội dung không lành mạnh trên mạng nên được giáo dục và hỗ trợ riêng.
Việc giáo dục đại trà cho học sinh sẽ làm nảy sinh khả năng khiến học sinh được tiếp xúc với những vấn đề trước đó có thể các em chưa từng gặp phải. Điều này có thể khiến các em tò mò và tìm hiểu về các nội dung này trên mạng”.
Dự kiến chương trình giáo dục sức khỏe bắt buộc mới sẽ được giới thiệu tại các trường tiểu học và trung học cơ sở tại Anh từ năm 2020.