Nhiều nguyên nhân khiến du học sinh không ít quốc gia khó quay trở lại việc du học do dịch bệnh còn căng thẳng, thì học sinh từ Việt Nam - nơi khống chế tốt dịch - sẽ có lợi thế săn học bổng và trở lại với việc du học sớm hơn, nhất là du học ở các nước Úc, New Zealand, Singapore…
Theo Giáo sư Christopher Jeffery - Giám đốc Học vụ Trường ĐH Anh quốc Việt Nam (BUV) - năm 2021, BUV dành quỹ học bổng hơn 40 tỉ đồng cho các học sinh tốt nghiệp THPT tại Việt Nam. Trong đó có học bổng “Tài năng” (từ 20-50% học phí) dành cho các học sinh có các thành tích đặc biệt: đạt giải trong các kỳ thi các bộ môn, các giải thể thao, văn hoá, văn nghệ...
Học bổng “Hợp tác” dành cho học sinh xuất sắc đến từ các trường đối tác thân thiết. Học bổng “Trái tim sư tử” cho các em hs có hoàn cảnh bất lợi. Nhà trường cũng giành 4 suất học bổng “Hiệu trưởng” trị giá 75% học phí chương trình ĐH; 4 suất học bổng Dean trị giá 50% học phí chương trình ĐH. Đặc biệt, mỗi năm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương Quốc Anh sẽ trao tặng 4 suất học bổng toàn phần cho 4 học sinh ưu tú nhất.
Giáo sư Christopher Jeffery cho biết, mỗi năm BUV nhận được hàng nghìn bộ hồ sơ ứng cử các chương trình học bổng khác nhau; vì vậy, việc làm cho bộ hồ sơ nổi bật là điều rất quan trọng.
“Trước hết, bộ hồ sơ nên thể hiện sự nghiêm túc, chân thành. Ví dụ như các lỗi chính tả là điều không nên có. Ngoài thành quả học tập, các hoạt động ngoại khoá, bài tự luận là mấu chốt của bộ hồ sơ học bổng. Kỳ vọng của chúng tôi dành cho các ứng viên đạt học bổng là được thấy các em toả sáng, tiên phong và có tiềm năng trở thành thủ lĩnh ở các mảng chuyên ngành các em đăng ký” - Giáo sư Christopher Jeffery đưa ra lưu ý.
Chia sẻ nhiều lợi thế của du học tại chỗ, tiến sĩ Hoàng Việt Hà - Giám đốc Swinburne Việt Nam – cho rằng: các chương trình du học tại chỗ hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng, trong khi đó chi phí hợp lý hơn và vẫn có thời gian được trải nghiệm học tập ở nước ngoài.
Nói về sự quan tâm của Swinburne với học sinh apply học bổng, theo tiến sĩ Hoàng Việt Hà, sự nghiêm túc (thể hiện ở sự chuẩn bị kỹ càng, cách ăn mặc, thái độ…) là rất quan trọng. Swinburne cũng tìm kiếm những người mong muốn trở thành người tiên phong.
“Hiện chúng tôi có nhiều học bổng, dao động từ 10-60%” - Tiến sĩ Hoàng Việt Hà thông tin.
Chung sống với Covid-19
Trao đổi với Báo GD&TĐ, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế nhận định, bên cạnh công tác phòng, chống Covid-19 hiệu quả của nước ta, điều kiện thời tiết nóng ẩm của Việt Nam cũng là một lợi thế để đẩy lùi đại dịch.
“Bên cạnh đó, tới nay, Việt Nam đã chiến đấu với dịch bệnh gần 4 tháng. Không những nước ta, mà một số quốc gia như Lào, Campuchia, Thái Lan hay Myanmar cũng đều có lợi thế nhờ điều kiện khí hậu”, PGS Nga nhận định.
Chia sẻ về việc, nhiều ý kiến trên thế giới cho rằng, Covid-19 có thể sẽ xuất hiện theo mùa, đặc biệt là khu vực có khí hậu khô, lạnh, PGS Nga nói: “Đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra”. Lý giải về vấn đề này, chuyên gia cho biết, nhiều người mắc Covid-19 chỉ có triệu chứng nhẹ, hoặc thậm chí không có triệu chứng. Ngoài ra, Covid-19 cũng là một “điển hình” của cúm, có thể diễn tiến như các loại cúm khác.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, không giống với SARS và MERS - những dịch bệnh ghi nhận tỷ lệ tử vong cao hơn và số người mắc không có triệu chứng thấp, Covid-19 hoàn toàn ngược lại.
PGS Nga nhấn mạnh, con người chỉ có thể chung sống với virus SARS-CoV-2 như các loại cúm thường khác nếu Covid-19 diễn tiến nhẹ hơn, gây tỷ lệ tử vong thấp hơn và không lan truyền nhanh như ban đầu.