Vắc-xin không phải “vũ khí” duy nhất chấm dứt Covid-19

GD&TĐ - Ngày 10/12, Việt Nam sẽ tuyển tình nguyện viên thử nghiệm vắc-xin ngừa Covid-19. Tuy nhiên, vắc-xin Covid-19 chỉ có thể đóng góp vào quá trình chấm dứt đại dịch, không mang tính quyết định.

Vắc-xin Covid-19 của Việt Nam khó có cơ hội xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Ảnh minh họa.
Vắc-xin Covid-19 của Việt Nam khó có cơ hội xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Ảnh minh họa.

Theo đó, tới nay, các nhà sản xuất vắc-xin Covid-19 trong nước đang nỗ lực đẩy mạnh tiến độ triển khai nghiên cứu, tiến tới thử nghiệm tiền lâm sàng. Trong đó, 3 đơn vị sản xuất là IVAC, VABIOTECH, NANOGEN đã hoàn thiện quy trình sản xuất quy mô phòng thí nghiệm và đang đánh giá tính an toàn, tính miễn dịch của vắc-xin trên động vật.

Riêng NANOGEN đã hoàn thành giai đoạn này và chuẩn bị sẵn sàng tiến tới thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu các đơn vị sản xuất vắc-xin trong nước đẩy nhanh tiến độ để sớm tiến hành thử nghiệm lâm sàng. Ngày 10/12, NANOGEN sẽ phối hợp với Học viện Quân y, chính thức tuyển tình nguyện viên tham gia vào giai đoạn 1 thử nghiệm vắc-xin Covid-19 của Việt Nam.

“Sau đó 1 tuần sẽ tiến hành tiêm mũi vắc-xin thử nghiệm đầu tiên. Song song đó, các bên liên quan cần chuẩn bị để sẵn sàng cho giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng ngay, không để kết thúc giai đoạn 1 mới tiến hành bắt đầu công việc cho giai đoạn 2. Chúng ta cần chủ động trong các giai đoạn để làm sao có vắc-xin càng sớm càng tốt”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Theo Học viện Quân y, đơn vị thử nghiệm lâm sàng được trang bị đầy đủ về thiết bị xét nghiệm, có khu vực giường lưu cho người tình nguyện để theo dõi sức khỏe trong các giờ đầu sau tiêm. Đồng thời, có tăng cường các y bác sĩ chuyên về cấp cứu. Nhờ đó, có thể xử trí ngay nếu tình nguyện viên gặp các phản ứng không mong muốn sau tiêm vắc-xin thử nghiệm.

Theo các chuyên gia, việc lựa chọn tình nguyện viên phải bảo đảm yếu tố là những người khỏe mạnh, không có bệnh nền. Đặc biệt, họ được khai thác kỹ về tiền sử sức khỏe, tình trạng dị ứng (với thuốc, thực phẩm…). Bởi, yếu tố cơ địa này liên quan nhiều đến phản ứng sau tiêm vắc-xin. Những người có cơ địa dị ứng không nên tiêm. Ngoài ra, cũng cần lưu ý về việc từng sử dụng thuốc, hay tiêm vắc-xin nào khác trước khi tham gia đăng ký thử nghiệm vắc-xin Covid-19. 

Theo Bộ Y tế, đề xuất ban đầu của nhà sản xuất vắc-xin Covid-19 “made in Vietnam” NANOGEN là tiêm cho 60 người tình nguyện. Tuy nhiên, trước mắt, sẽ tiêm cho 20 người, trong độ tuổi từ 18 - 40.

Chia sẻ về vắc-xin Covid-19 “made in Vietnam”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nhận định: “Do quá trình sản xuất của Việt Nam chậm hơn quốc tế, cùng sự phức tạp trong quá trình thẩm định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cơ hội xuất khẩu vắc-xin Covid-19 của nước ta ra thị trường quốc tế là rất nhỏ”.

Theo chuyên gia này, rủi ro lây nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể không giống nhau trong những nhóm người khác nhau. Do đó, việc ưu tiên vắc-xin cần được cân nhắc.

Tuy nhiên, PGS Nga nhấn mạnh, nhóm người cần được ưu tiên hàng đầu, bao gồm: Nhân viên y tế thường xuyên trực tiếp khám chữa bệnh; Người cao tuổi có nhiều bệnh nền, nằm viện dài ngày; Người có bệnh nền nằm viện dài ngày; Người cao tuổi.

Nhận định về thời gian đại dịch Covid-19 chấm dứt, chuyên gia này cho rằng, đó là khi miễn dịch cộng đồng bao phủ ít nhất trên 70% dân cư toàn cầu. Bên cạnh đó, đại dịch cũng có thể biến mất khi virus SARS-CoV-2 trong quá trình tiến hóa sẽ bị suy yếu hoặc thích nghi với điều kiện ký sinh trên cơ thể người. Từ đó, virus này sẽ chung sống vĩnh viễn với loài người.

Tuy nhiên, PGS Nga nhận định, vắc-xin ngừa Covid-19 không có ý nghĩa quyết định trong việc chấm dứt đại dịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Khôi phục mộc bản triều Nguyễn bằng công nghệ 3D.

Khôi phục mô hình 3D mộc bản triều Nguyễn

GD&TĐ - Các mô hình học máy sau khi được huấn luyện sẽ học cách xây dựng các mô hình 3D mộc bản bị mất từ bản in 2D đang được lưu trữ, để phục dựng lại.