Dự giờ hướng đến người học

GD&TĐ - Dự giờ, thăm lớp là hoạt động chuyên môn thường xuyên và quan trọng trong nhà trường. 

Cô trò Hệ thống Giáo dục Lý Thái Tổ trong giờ học.
Cô trò Hệ thống Giáo dục Lý Thái Tổ trong giờ học.

Trước yêu cầu mới, hoạt động này có những thay đổi, thực chất hơn và hướng đến sự tiến bộ của người học thay vì đánh giá giáo viên.

Không còn “trình diễn”

“Có thể nói, dự giờ hiện đã thực sự là buổi sinh hoạt chuyên môn. Người dự có mục tiêu rõ ràng, để quan sát, học hỏi, lấy tư liệu để trao đổi thảo luận nội dung chuyên môn nào đó và đi đến thống nhất chung; từ đó thúc đẩy hoạt động chuyên môn của tổ nhóm và từng giáo viên.

Bởi thế, giáo viên giảng dạy các giờ có người dự tự do hơn trong lựa chọn hình thức tổ chức dạy học, sáng tạo hơn trong cách dạy, tiếp cận bài học, đỡ áp lực khi đứng lớp. Tuy nhiên, thầy cô phải chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, vất vả. Học sinh tự học, tự làm, tự thảo luận đưa ra phương án trả lời nên cũng năng động, sáng tạo hơn”, cô Hương chia sẻ.

Nói về điểm khác của hoạt động dự giờ hiện nay so với trước đây, cô Nguyễn Thị Hương - Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Trường (Thái Thụy, Thái Bình) - cho biết: Đi dự giờ không còn là quy định bắt buộc mà tùy thuộc vào nhu cầu của giáo viên, nếu thấy cần học hỏi, tìm hiểu về học sinh, hay giúp đỡ đồng nghiệp. Sự thay đổi này tạo tâm thế chủ động, thoải mái, không gò bó. Trước kia, để đủ số giờ dự theo quy định, thầy cô đôi khi dự cả những tiết không giúp gì cho mình, vừa mất thời gian, vừa không hiệu quả.

Trước kia, tính logic, hợp lý thường được coi trọng; bài dạy phải chặt chẽ, phù hợp với đối tượng học sinh và làm rõ nội dung bài học. Nhưng nay điều đó không còn quan trọng. Cách thức tổ chức sao cho học sinh hưng phấn, hứng thú, tích cực tham gia các hoạt động mới là điều hướng tới. Các đáp án cũng có tính “mở” nên học sinh được đánh giá toàn diện, dễ dàng có điểm, các em tự tin, có điều kiện thể hiện năng lực nhiều mặt.

Với cô Đoàn Thu Hà - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phenikaa (Hà Nội), trước đây, quan niệm đi dự giờ là kiểm tra tiết dạy của giáo viên, nên dự giờ là hoạt động của hiệu trưởng, hiệu phó, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn. Giáo viên hầu như chỉ tham gia dự giờ trong các hoạt động mang tính chất “thao giảng”. Hiện nay, hoạt động dự giờ diễn ra thường xuyên theo hướng mở. Giáo viên dự giờ đồng nghiệp, quản lý dự giờ giáo viên trong các tiết học bình thường, không nhất thiết là tiết thao giảng.

Hoạt động dạy học, cách giảng dạy, tổ chức, truyền đạt kiến thức của giáo viên trong các tiết dự giờ cũng có nhiều điểm khác. Trước đây, các tiết dự giờ, giáo viên tập trung vào phô diễn kiến thức. Nay, thầy cô chú ý đến tổ chức hoạt động cho học sinh để các em chủ động chiếm lĩnh kiến thức; chú ý đến chia nhóm linh hoạt, dạy học cá nhân hóa và chú trọng tư duy phản biện của học sinh thay vì truyền đạt kiến thức đơn thuần. Tiết dạy không còn khuôn mẫu, khô cứng mà trở nên vô cùng linh hoạt, sinh động. Ngay cả người dự cũng giống như một thành viên lớp học, tham gia và trải nghiệm không khí học tập đó.

“Thay đổi khiến việc dự giờ không trở thành gánh nặng tinh thần, hay kịch bản được dàn dựng trước. Học sinh và giáo viên đều hào hứng, cởi mở hơn, nhờ đó việc kết nối, tiếp thu kiến thức tốt hơn. Cán bộ quản lý, tổ trưởng chuyên môn đi dự giờ cũng với tâm thế khác, không chỉ quan tâm đến nội dung kiến thức, kết quả giảng dạy, mà chú trọng hơn đến tính logic của cách triển khai, khả năng tương tác, tổ chức hoạt động của giáo viên và phương pháp, kỹ thuật dạy học phát triển năng lực”, cô Hà nhận định.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Để dự giờ hiệu quả

Để hoạt động dự giờ hiệu quả và giúp giáo viên phát triển chuyên môn tốt hơn, cô Vũ Thị Anh, Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên) cho rằng: Mỗi tổ/nhóm cần có đội ngũ tư vấn chuyên môn, đó là những giáo viên có năng lực tốt, kinh nghiệm giảng dạy. Đây được coi như đội nghiệp vụ “cứng” tư vấn, hỗ trợ đồng nghiệp. Nhà trường xây dựng kế hoạch dự giờ giáo viên trong 1 học kỳ/năm học như: Dự giờ báo trước, đột xuất, chuyên đề... Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học. Đây là biện pháp thực hiện thường xuyên, liên tục mà trường, tổ nhóm nào hiện nay cũng thực hiện.

Từ thực tiễn tại Trường THCS Thụy Trường, cô Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh đến việc cần định hướng chuyên môn cụ thể cho người dạy, người dự. Bố trí thời gian hợp lý để có thể đông đủ đối tượng cần dự. Các tiết dạy chuyên đề có sự thảo luận, bàn bạc cụ thể trong tổ nhóm, người dạy chỉ thực hiện phương án chung của tổ, nhóm. Cũng cần lên chương trình cho học sinh có tiết chuẩn bị ngay trên lớp, không thể cái gì cũng đưa về nhà; phân loại học sinh để giao đầu việc phù hợp, phát huy nhiều nhất sự tích cực, chủ động của người học.

Góp ý vào hoạt động quan trọng nhất của dự giờ là rút kinh nghiệm giờ dạy, cô Đoàn Thu Hà cho rằng, cán bộ quản lý nên chủ động giúp giáo viên thực hiện tốt nhất quyền tự chủ. Trước đây, giáo viên ít khi được góp ý bài dạy của đồng nghiệp, hoặc có cũng e dè, chưa mạnh dạn. Người quản lý cần khắc phục tình trạng này bằng cách cho giáo viên ghi lại ý kiến đóng góp vào phiếu dự giờ.

Khi sinh hoạt chuyên môn, mỗi giáo viên dựa vào phiếu đó để phát biểu ý kiến xây dựng tiết dạy. Nếu trong tiết dạy có nhiều ý kiến đóng góp trái ngược nhau, tổ trưởng sẽ trực tiếp thống nhất ý kiến với các giáo viên để đi đến kết luận và có thể chỉ đạo dạy lại tiết đó dựa trên những đóng góp để hóa giải những thắc mắc băn khoăn.

Việc dự cùng 1 bài của nhiều giáo viên cũng cần chú ý. Trên cơ sở đó, giáo viên dự giờ sẽ rút kinh nghiệm qua mỗi tiết dạy; đồng thời, học được ở mỗi người dạy cách chủ động sáng tạo khi xử lý tình huống, hoặc cách tiếp cận bài học để giảng dạy theo những hướng khác nhau.

Theo thầy Đoàn Công Thạo - Ủy viên Hội đồng Giáo dục Lý Thái Tổ (Hà Nội), để bảo đảm tính chính xác, khách quan của quá trình kiểm tra dự giờ đột xuất, người dự phải có phương pháp đánh giá hợp lý, tránh quá khắt khe hoặc thiếu khách quan. Đồng thời, nhà trường cần tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, thoải mái cho giáo viên, để họ có thể thể hiện năng lực, khả năng trong chăm sóc, giáo dục trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.