Dự giờ - không còn áp lực, hình thức

GD&TĐ - Dự giờ theo cách truyền thống với mục đích đánh giá, xếp loại giờ dạy thường mang lại kết quả không như mong đợi.

Mọi hoạt động chuyên môn trong nhà trường đều phải hướng tới người học. Ảnh: Thế Đại
Mọi hoạt động chuyên môn trong nhà trường đều phải hướng tới người học. Ảnh: Thế Đại

Do đó, cải tiến của Bộ GD&ĐT về nội dung này trong những năm gần đây, đặc biệt quy định mới tại Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông nhiều cấp học - được GV ủng hộ.

Nhận thức đúng về mục đích của dự giờ

Chia sẻ của ông Hà Huy Giáp - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Bắc Giang, sinh hoạt chuyên môn (SHCM) trong nhà trường được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau; trong đó hình thức SHCM theo kiểu dự giờ và rút kinh nghiệm tiết dạy được thực hiện thường xuyên nhằm phát triển năng lực chuyên môn và nghiệp vụ cho đội ngũ GV. Trong SHCM truyền thống, hình thức này được tổ chức theo quy trình tương đối thống nhất. Trước tiên, nhà trường phân công GV chuẩn bị bài, sau đó lên lớp dạy minh họa, rồi tổ chức rút kinh nghiệm tìm ra những ưu điểm, hạn chế và sau cùng xếp loại giờ dạy. 

Với cách tổ chức như vậy, ông Hà Huy Giáp cho rằng: Chưa thu hút sự tham gia tích cực của đội ngũ GV trong nhà trường. Chính vì vậy, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ GV phát triển rất hạn chế. Có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân cơ bản là cán bộ quản lý, GV chưa xác định đúng mục đích, ý nghĩa của SHCM. Họ cho rằng, việc tổ chức dự giờ, rút kinh nghiệm sau đó để thống nhất phương pháp, quy trình dạy các môn học và đánh giá, xếp loại GV là vấn đề cốt lõi của SHCM.  

“Do có sự phân khối, phân môn, nên việc dự giờ SHCM trong nhà trường thường tổ chức theo hình thức khối hoặc tổ riêng biệt. Vì thế đã tạo ra một “bức tường” ngăn cách giữa GV trong trường, họ khó có thể nhìn nhận với một mục tiêu chung, một sự cam kết cùng hành động trong việc giúp HS học tập. Việc xây dựng mối quan hệ cộng tác giữa các GV trong nhà trường trở nên khó khăn, dẫn đến sự suy giảm động cơ học tập của mỗi nhà giáo, GV chỉ  thảo luận về việc dạy, hơn là việc của HS” – ông Hà Huy Giáp cho hay.

Nói thêm về hạn chế trong cách làm truyền thống, ông Hà Huy Giáp nêu: Các ý kiến nhận xét sau giờ dạy nhằm mục đích đánh giá GV, xếp loại tiết dạy. Dựa trên các tiêu chí, quy trình đã có sẵn, người dự đối chiếu với các hoạt động dạy của giáo viên. Thông thường, người dự nhận xét nhiều về cách kiểm tra bài cũ, cách vào bài như thế nào, trình bày bảng ra sao, cách diễn đạt của GV, nội dung bài học được chuyển tải có đầy đủ và chính xác không, phương pháp sư phạm như thế nào? Giáo viên dạy có theo trình tự, có đủ các bước không? phân phối thời gian ra sao?...Ý kiến nhận xét của người dự giờ thường chung chung, ít có minh chứng từ việc học của HS. Những ý kiến góp ý hầu như không tìm ra một kinh nghiệm thỏa mãn để cải tiến bài học. 

“Không khí buổi SHCM thường rất nặng nề, có khi căng thẳng, thiếu tinh thần học hỏi để phát triển năng lực chuyên môn cho GV. Mỗi lần tham dự SHCM, giáo viên không mấy hứng thú mà ngược lại họ cảm thấy bị áp lực, mệt mỏi nên không muốn tham gia. Người phải chịu thiệt thòi hơn cả chính là HS. Kết quả, SHCM truyền thống, với mục đích đánh giá, xếp loại giờ dạy và thống nhất quy trình dạy học theo dạng bài thường mang lại kết quả không như mong đợi.” – ông Hà Huy Giáp chia sẻ.

Việc dự giờ của giáo viên chủ nhiệm góp phần đánh giá toàn diện học sinh mình quản lý hơn. Ảnh: Đại Quang
Việc dự giờ của giáo viên chủ nhiệm góp phần đánh giá toàn diện học sinh mình quản lý hơn. Ảnh: Đại Quang 

Hướng tới học sinh

Thông tư 32/2020 ban hành Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông nhiều cấp học không quy định nhiệm vụ bắt buộc của GV là phải dự giờ và hồ sơ cá nhân cũng bỏ sổ dự giờ, thăm lớp. Nhận định của cô Vũ Thị Anh, GV Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên), quy định này như một sự “cởi trói” cho GV về “gánh nặng” hồ sơ sổ sách. Giáo viên chỉ còn 3 loại hồ sơ, sổ sách là: Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học); Kế hoạch bài dạy (giáo án); Sổ theo dõi và đánh giá học sinh. Riêng GV chủ nhiệm có thêm sổ chủ nhiệm. Việc điều chỉnh này rất phù hợp và tạo thuận lợi cho GV. Việc không bắt buộc GV dự giờ, nhưng dự giờ học của HS do mình chủ nhiệm, theo cô Anh là quy định mở, giúp GV chủ nhiệm đánh giá HS toàn diện hơn; đúng với hướng kiểm tra, đánh giá hiện nay: Đánh giá quá trình.

Thầy Hà Văn Long - GV Trường THPT Yên Dũng số 2, Bắc Giang cũng đồng tình với quy định này và cho rằng sẽ tốt cho GV bộ môn. “Giáo viên bộ môn chỉ cần đi dự các giờ mà họ thấy cần, dự người mà họ thấy hay, cần học hỏi, chứ không cần phải hình thức mỗi tuần một lần dự như trước đây. Họ sẽ có thêm thời gian tập trung cho chuyên môn. Giáo viên chủ nhiệm cũng sẽ được dự giờ các giờ có HS lớp mình học, như vậy sẽ nắm bắt được thêm tình hình học tập của HS ở các bộ môn khác nhau, từ đó thấy rõ hơn khả năng của các em. Tôi ủng hộ cách làm này” – thầy Hà Văn Long nêu quan điểm.

Là người tâm huyết với nội dung này, ông Hà Huy Giáp nhấn mạnh: Để các buổi SHCM trong nhà trường đạt hiệu quả, phát triển năng lực chuyên môn, mang lại nhiều ý nghĩa cho đội ngũ GV là nhiệm vụ cần thiết được đặt ra. Trong những buổi SHCM đó, GV cùng dự giờ và suy ngẫm về bài dạy; hợp tác nghiên cứu, tìm hiểu bằng cách đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm và một loạt các bước cụ thể tìm ra cấu trúc trong các bài học để giúp HS học tập một cách thực sự. Chính vì vậy, những năm gần đây, Bộ GD&ĐT chú trọng cải tiến cách SHCM hướng tới việc phát triển năng lực chuyên môn cho GV và nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường. Từ năm học 2006 - 2007, mô hình SHCM theo nghiên cứu bài học được triển khai thí điểm tại các trường học của tỉnh Bắc Giang đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

Hoạt động dự giờ SHCM theo hướng nghiên cứu bài học, hay dự giờ để nắm tình hình lớp học không nhất thiết phải xếp loại giờ dạy. Cùng với đó, không yêu cầu GV có sổ dự giờ mà chỉ cần ghi nhận qua sổ tay cá nhân để GV có tư liệu học tập. Việc dự giờ cũng cần phải linh hoạt, sao cho phù hợp, hài hòa trên tinh thần hỗ trợ đồng nghiệp nâng cao tay nghề chuyên môn; không tạo áp lực cho GV, HS. Chỉ khi đó, việc dạy và học mới thật sự hiệu quả, đem lại kết quả như mong muốn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.