Dự báo cần tuyển bổ sung hơn 81 nghìn giáo viên trong năm học mới

GD&TĐ - Hiện cả nước còn thiếu hơn 118.200 giáo viên. Dự báo năm học 2023 – 2024, cả nước, cần tuyển bổ sung hơn 81.500 giáo viên các cấp.

Học sinh trường tiểu học ở Hà Nội.
Học sinh trường tiểu học ở Hà Nội.

Cả nước tuyển dụng thêm hơn 17.000 giáo viên

Tháng 7 năm ngoái, Bộ Chính trị giao bổ sung gần 66.000 biên chế cho ngành Giáo dục; riêng năm học 2022-2023 là hơn 27.800 giáo viên. Tuy nhiên, theo thống kê của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), đến cuối năm học 2022 - 2023, cả nước tuyển dụng thêm hơn 17.000 giáo viên công lập. Trong đó, giáo viên mầm non hơn 4.500 người; tiểu học hơn 7.200; THCS gần 4.000 và THPT là trên 1.400 người.

Hiện vẫn còn trên 74.000 chỉ tiêu biên chế được giao cho các địa phương nhưng chưa tuyển dụng được; trong đó giáo viên mầm non là trên 24.400; tiểu học gần 28.700; THCS hơn 15.500 và THPT hơn 5.500 người.

Cũng theo thống kê của Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, tình trạng thừa, thiếu theo định mức diễn ra ở nhiều cấp học. Cụ thể:

STT

Cấp học

Số lớp

Số GV biên chế hiện có

Số GV thừa cục bộ

Số GV thiếu

1

Mầm non

144.457

255.217

0

51.955

2

Tiểu học

280.641

373.447

1.533

33.112

3

THCS

157.261

282.728

3.219

19.304

4

THPT

63.378

131.418

397

13.882

Tổng cộng

645.737

1.042.810

5.149

118.253

Theo số liệu thống kê nêu trên, hiện cả nước còn thiếu hơn 118.200 giáo viên. Số giáo viên thiếu tăng hơn 11.300 người so với năm học 2021 – 2022. Cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau.

Tình trạng thừa, thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới (các môn tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật) nhưng chậm được khắc phục.

Tuy yêu cầu tăng giáo viên nhưng tại các địa phương, biên chế sự nghiệp giáo dục được giao bổ sung không đáp ứng được nhu cầu giảng dạy trong các cơ sở giáo dục. Việc thực hiện yêu cầu tinh giản biên chế 10% cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên chậm được khắc phục.

Cô - trò Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang).

Cô - trò Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang).

Giải pháp khắc phục

Theo ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), nếu các địa phương tuyển hết chỉ tiêu nêu trên, cùng với việc thực hiện bổ sung giáo viên cho giai đoạn 2022 – 2026 theo Quyết định của Bộ Chính trị, thì về cơ bản sẽ giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên.

Nhấn mạnh một số giải pháp khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên và thực hiện tốt phát triển đội ngũ nhà giáo, ông Đức nhìn nhận, về phía Bộ GD&ĐT tiếp tục triển khai xây dựng Luật Nhà giáo, tạo cơ sở pháp lý nhằm giải quyết vướng mắc liên quan đến tuyển dụng, thu hút và chăm lo cho đội ngũ nhà giáo.

Bộ GD&ĐT tiếp tục chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành, sửa đổi Thông tư về vị trí việc làm và định mức giáo viên. Qua đó giúp cho các địa phương có cơ sở bố trí giáo viên sát với thực tế hơn.

Ngoài ra, Bộ tiếp tục rà soát số lượng chỉ tiêu biên chế và số lượng giáo viên hiện có ở các địa phương để bổ sung cho năm học 2023 – 2024 trong tổng biên chế giáo viên được bổ sung đến năm 2026; đồng thời tăng cường đôn đốc các địa phương tổ chức thực hiện tuyển dụng hết số lượng biên chế đã được giao.

Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đề nghị, các địa phương xây dựng thực hiện đề án phát triển đội ngũ giáo viên với tầm nhìn dài hạn, phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đồng thời, có chính sách hợp lý để thu hút giáo viên và rà soát, sắp xếp điều tiết giáo viên mầm non, phổ thông giữa các cơ sở giáo dục trong địa phương, nhằm khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

Cùng với đó, các địa phương cần tổ chức tuyển dụng hết số biên chế được giao, ưu tiên tuyển giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học còn thiếu. Đối với một số môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, địa phương có thể đặt hàng đào tạo theo Nghị định 116/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo ông Vũ Minh Đức, kinh nghiệm cho thấy, nếu các Sở GD&ĐT bám sát và phối hợp chặt chẽ với ngành Nội vụ, thì việc tuyển dụng đủ chỉ tiêu biên chế được giao sẽ không khó.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên. Đẩy mạnh việc tinh giản biên chế gắn với tổ chức trường lớp và cơ cấu lại đội ngũ viên chức.

Khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp thành lập các cơ sở giáo dục ngoài công lập, tham gia xã hội hóa giáo dục nhằm giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Các địa phương cũng cần nghiên cứu xây dựng chính sách thu hút, tạo nguồn tuyển dụng giáo viên và hỗ trợ, tạo điều kiện để giáo viên yên tâm công tác; thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Theo dự báo của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, năm học 2023 – 2024, toàn ngành cần hơn 1,1 triệu giáo viên các cấp (trong các cơ sở giáo dục công lập). Cả nước, cần tuyển bổ sung hơn 81.500 giáo viên các cấp.

Số lượng biên chế được giao chưa tuyển dụng ở các địa phương là hơn 74.100 giáo viên; trong đó, hơn 24.400 giáo viên tiểu học; trên 15.500 giáo viên THCS và hơn 5.500 giáo viên THPT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.