Dự án nước sạch hơn 400 tỉ đồng ở Thanh Hóa thi công ì ạch

GD&TĐ - 4 năm qua, dự án nhà máy nước sạch hơn 400 tỉ đồng tại xã Thăng Thọ (Thanh Hóa) mới chỉ đào vài bể chứa nước và nhà điều hành xây dang dở.

Nhà điều hành của dự án xây dang dở, phơi mưa nắng suốt nhiều năm qua.
Nhà điều hành của dự án xây dang dở, phơi mưa nắng suốt nhiều năm qua.

Khởi công xây dựng vào quý I, kế hoạch hoạt động vào quý IV/2019, thế nhưng 4 năm qua, dự án nhà máy nước sạch hơn 400 tỉ đồng tại xã Thăng Thọ, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa mới chỉ đào vài bể chứa nước và nhà điều hành xây dang dở…

70.000 nhân khẩu “dài cổ” chờ nước sạch

Dự án Nhà máy nước sạch Thăng Thọ (tại xã Thăng Thọ, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) do Công ty CP Đầu tư Phát triển và Xây dựng Môi trường Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công xây dựng quý I/2019 và dự kiến đưa vào hoạt động quý IV/2019.

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 400 tỉ đồng, quy mô 1,2 ha, công suất thiết kế 15.000 m3 nước/ngày đêm. Dự án được kỳ vọng sẽ cung cấp nước sạch cho 14 xã vùng trũng của huyện Nông Cống với hơn 70.000 nhân khẩu.

Trong đó, một số xã như Yên Mỹ, Công Chính, Công Liêm, Thăng Bình, Tượng Văn... thuộc vùng triều nhiễm mặn, rất khó khăn về nước sạch lúc hạn hán, khi lụt lội.

Sau nhiều năm triển khai, sau nhiều lần điều chỉnh, gia hạn, dự án mới chỉ hoàn thành san lấp mặt bằng, đào vài bể chứa nước, nhà điều hành xây dang dở.

Ông Ninh Văn Hợp (trú tại xã Thăng Thọ) cho biết, gia đình ông là 1 trong 47 hộ dân có đất thu hồi phục vụ dự án. Khi có chủ trương, gia đình ông và người dân trong xã rất đồng tình ủng hộ, vì đây là dự án thiết thực, giúp cư dân có nguồn nước hợp vệ sinh để dùng.

“Gia đình tôi có 2 sào đất lúa giao cho dự án, những tưởng sẽ sớm có nước sạch để dùng. Nhưng nay đã 4 năm, nhà máy vẫn ì ạch, chẳng biết khi nào dân mới có nước sạch để dùng. Nếu dự án không tiếp tục thực hiện thì nên thu hồi, chứ để đất đai như thế lãng phí lắm”, ông Hợp nói.

Ông Phạm Quang Thuyên, Chủ tịch UBND xã Thăng Thọ, cho biết, hiện dự án đang dừng thi công. Xã hiện có hơn 5.000 nhân khẩu, bà con và địa phương mong muốn nhà máy đẩy nhanh quá trình xây dựng.

“Vừa qua, huyện có về khảo sát, công ty hứa tới đây sẽ thi công trở lại, nhưng hiện vẫn chưa thấy làm gì cả. Dự án chậm tiến độ khiến cho quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tại địa phương cũng bị vướng, bởi trong tiêu chí phải có nguồn nước sạch bảo đảm vệ sinh mới được công nhận”, Chủ tịch UBND xã Thăng Thọ cho biết thêm.

Những đống sắt hoen gỉ để ngổn ngang ở công trình.

Những đống sắt hoen gỉ để ngổn ngang ở công trình.

Vì sao chưa thu hồi dự án?

“Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Đức Giang chỉ đạo giao UBND huyện Nông Cống kiểm tra, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh tiến độ thực hiện dự án theo các mốc thời gian đã được chủ đầu tư cam kết tại cuộc họp ngày 9/2/2023 giữa Sở NN&PTNT, UBND huyện Nông Cống và Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và xây dựng môi trường đô thị Việt Nam. Trường hợp chủ đầu tư vẫn chậm tiến độ hoàn thành các hạng mục và toàn bộ dự án như đã cam kết, giao UBND huyện Nông Cống chỉ đạo các xã thuộc vùng cấp nước của Dự án Hệ thống cấp nước huyện Nông Cống tại xã Thăng Thọ, huy động nguồn lực, tìm kiếm nguồn nước sạch hoặc mua nước sạch từ các nhà máy khác trên địa bàn huyện và vùng phụ cận để sử dụng”.

Theo tìm hiểu, Nhà máy nước sạch Thăng Thọ được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 2/1/2018, có 14 xã được thụ hưởng nguồn nước sạch.

Đến ngày 5/4/2018, dự án điều chỉnh phạm vi cấp nước còn 10 xã. Hơn 1 tháng sau, dự án lại tăng lên 19 xã, gồm 13 xã thuộc huyện Nông Cống, 3 xã thuộc huyện Như Thanh, 3 xã thuộc thị xã Nghi Sơn.

Hơn 2 tháng sau, dự án tăng vốn đầu tư lên khoảng 410 tỉ đồng, tăng quy mô lên 3,5 ha, tăng công suất lên 30.000 m3 nước/ngày đêm. Đến cuối năm 2018, công suất thiết kế lại giảm, còn 29.000 m3 nước.

Tại biên bản làm việc ngày 23/10/2020 với UBND huyện Nông Cống, đại diện chủ đầu tư cam kết dự án sẽ được thực hiện từ tháng 11/2020, dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2021.

Dù chậm tiến độ, nhưng ngày 21/1/2021, dự án lại được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký quyết định tăng tổng vốn đầu tư lên 455 tỉ đồng. Tại quyết định này, tỉnh Thanh Hóa yêu cầu chủ đầu tư đến tháng 9/2021 phải hoàn thành, đưa nhà máy vào hoạt động.

Chủ đầu tư cũng đã có cam kết hoàn thành đúng thời hạn nhưng vẫn như các lần trước, đơn vị này tiếp tục thất hứa, dự án vẫn... dậm chân tại chỗ.

Mới đây nhất, vào tháng 2/2023, trong cuộc họp bao gồm đại diện Sở NN&PTNT, UBND huyện Nông Cống và chủ đầu tư, chủ đầu tư tiếp tục cam kết sang cuối tháng 7/2023 hoàn thành và đưa dự án nước sạch đến người dân.

Chủ đầu tư cũng cho biết sẽ hoàn thành toàn bộ khu đầu mối nhà máy vào cuối tháng 5/2023; hoàn thành hệ thống đường ống nước vào cuối tháng 6/2023 và đến cuối tháng 7/2023 thì hoàn thành và vận hành. Thế nhưng, ghi nhận thực tế, đến nay dự án vẫn không có bất kỳ động thái nào cho thấy được thi công trở lại.

Ông Đồng Minh Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống, cho biết, dự án chậm tiến độ quá lâu, huyện đã nhiều lần thúc giục nhà đầu tư sớm thực hiện, nếu không sẽ báo cáo tỉnh có phương án xử lý.

“Từ đầu năm tới giờ, chúng tôi đã 2 lần phát văn bản mời đại diện doanh nghiệp tới làm việc, nhưng họ cáo bận do dịch bệnh. Trong văn bản trả lời, họ hứa sẽ cho triển khai dự án trở lại vào đầu tháng 4/2022 mà tới nay chưa thấy đâu. Huyện rất sốt ruột, nhưng dự án thuộc thẩm quyền của tỉnh”, Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống cho biết thêm.

Cũng theo ông Đồng Minh Quân, nếu thời gian tới đây, dự án không thi công sẽ báo cáo tỉnh cho dừng đầu tư, tìm kiếm nhà đầu tư mới, đồng thời sẽ kiến nghị điều chỉnh quy mô dự án, chuyển một số xã sang các nhà máy nước khác để dân sớm có nước sạch dùng.

“Dự án chậm không những lãng phí nguồn lực đầu tư mà còn ảnh hưởng tới các nhiệm vụ chính trị của địa phương trong việc xây dựng nông thôn mới nâng cao. Bởi nước sạch là một trong những tiêu chí quan trọng để các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, không có nước sạch thì sẽ không thực hiện được”, ông Quân cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ