Dự án GD THCS vùng khó được quản lý tốt và có hiệu quả

Dự án GD THCS vùng khó được quản lý tốt và có hiệu quả

(GD&TĐ) - Sáng nay 19/8, tại Hà Nội, Bộ GD- ĐT đã tổ chức Hội thảo đánh giá giữa kì Dự án GD THCS vùng khó khăn nhất (VKKN) theo khoản vay của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB). Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Nguyễn Vinh Hiển, bà Eiko K. Izawa, chuyên gia cao cấp Ngân hàng Phát triển châu Á, các chuyên gia trong và ngoài nước.

Nỗ lực vì GD vùng khó         

Dự án GD THCS vùng khó khăn nhất được thực hiện ở 103 huyện khó khăn thuộc 17 tỉnh trong cả nước do Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) phê duyệt khoản vay là 50 triệu USD, có  hiệu lực từ tháng 5/2008. Đến nay, sau khi sử dụng 55% quĩ thời gian, dự án đã trao thầu được 61% và giải ngân được 44%. Theo báo cáo đánh giá, về xây dựng phòng học và CSVC bán trú, dự án đã xây được 712 trong tổng số 819 phòng học, 707 phòng bán trú trong tổng số 960 phòng dự kiến.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội thảo
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội thảo

Bên cạnh đó, dự án đã tập trung xây dựng được 443 nhà công vụ GV, đạt 52% khối lượng xây dựng dự kiến. Các chương trình cấp gạo cho HS bán trú và cấp học bổng cho HS cũng góp phần thu hút HS dân tộc thiếu số theo học lên các cấp học cao hơn… Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: Dự án đã đầu tư đúng đối tượng, tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn nhất của GD THCS ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu “Trong bối cảnh tăng giá nói chung, công tác tiến hành xây dựng cơ bản  của dự án đã làm rất khẩn trương cùng với các địa phương. Các chương trình bồi dưỡng GV được coi trọng về nội dung, cách thức tổ chức thực hiện, được các GV phổ thông và giảng viên các trường sư phạm tham gia tích cực và triển khai ở các địa phương. Dự án đã hoàn thành sớm các kế hoạch về giải ngân cũng như kết quả thực hiện các nhiệm vụ, Chúng tôi đánh giá đây là dự án được quản lý tốt và có hiệu quả”.

Giai đoạn 1 của Dự án giáo dục Trung học cơ sở vùng khó khăn nhất sẽ tiếp tục được thực hiện. Việc chuẩn bị và bắt đầu cho dự án giai đoạn 2 dự kiến hoàn thành về thiết kế ban đầu vào năm 2014./.

Mô hình cần nhân rộng

Tại Hội thảo này, lãnh đạo đại diện 3 Sở GD- ĐT thuộc 3 vùng miền cả nước đang được hưởng lợi từ dự án đã đóng góp những ý kiến quí báu. Đến từ Sở GD- ĐT Lào Cai, Phó GĐ Nguyễn Anh Ninh chia sẻ: Dự án đầu tư đúng địa chỉ, đúng đối tượng, góp phần giải quyết những vấn đề khó khăn, những đối tượng HS khó khăn nhất của THCS.

Hiệu quả xã hội to lớn của dự án mang lại cho GD vùng cao, đặc biệt ở Lào Cai. Điều kiện học tập của HS được cải thiện rõ rệt như giải quyết vấn đề chỗ ở, chỗ ăn, tổ chức các hoạt động cho HS, khiến cho hoạt động nhà trường thêm sôi nổi. Đặc biệt, dự án đã tác động mạnh đến sự thay đổi nhận thức của người dân tộc thiểu số, chính quyền địa phương. Nhiều xã của Lào Cai giờ đây GV không phải vất vả huy động HS ra trường, ra lớp. Công việc này thuộc về chính quyền xã bản.

Đại biểu tham dự Hội thảo
Đại biểu tham dự Hội thảo

Ông Nguyễn Sỹ Thư, GĐ Sở GD-ĐT Kon Tum: Là tỉnh nghèo nhất trong khu vực Tây Nguyên nên khi được hưởng lợi từ dự án này, GD Kon Tum chịu sự tác động mạnh mẽ, đó là sự thay đổi của GD VKKKN. Dự án góp phần giúp địa phương cán đích phổ cập THCS từ năm 2010, từng bước thành công trong việc tiếp cận và nâng cao chất lượng vùng GD dân tộc ít người.

Phát biểu tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ GDTH Vũ Đình Chuẩn nhấn mạnh: GD Trung học VKKN đã được hưởng thụ kết quả của dự án. Trong quá trình triển khai sau 3 năm với một nửa chặng đuwngf đi, dự án đã đạt được những thành công. Thứ nhất, công việc triển khai phù hợp với yeu cầu của địa phương về phát triển, nâng cao chất lượng GD VKKN như hỗ trợ CSVC, nâng cao trình độ đội ngũ, cấp học bổng cho HS dân tộc thiểu số. Việt Nam hoàn thành phổ cập THCS trước 6 tháng, trong đó có sự đóng góp rất lớn của dự án này.

Thứ hai, Dự án chọn lựa được đội ngũ chuyên gia có chất lượng, kinh nghiệm làm việc, rất am hiểu GD vùng khó. Thứ 3, qui trình triển khai công việc chặt chẽ. Chẳng hạn khi xây dựng tài liệu tăng cường phương pháp dạy học, dự án mời được một số chuyên gia tầm cỡ quốc tế về tập huấn. Sau này, Vụ GDTH sẽ sử dụng kết quả đó để nhân rộng ra các tỉnh khác. Cuối cùng, có sự phối hợp ngang dọc, chặt chẽ từ Vụ, Cục, địa phương đến tận các trường VKKN.

Việt Hoa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ