Ngày 10/4, Hội thảo quốc tế chủ đề: “Chính sách và pháp luật về dự án công trình xanh ở Việt Nam và một số quốc gia” được Trường Đại học Luật TPHCM và Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang đồng tổ chức.
Tham dự hội thảo có hơn 120 chuyên gia, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, giảng viên, luật sư, chuyên nghiên cứu về công trình xanh tại Singapore, Malaysia, Anh, và Việt Nam.
Hội thảo với mục tiêu nhận diện, phân tích những khía cạnh pháp lý, kinh tế, môi trường và thực tiễn trong việc phát triển công trình xanh ở Việt Nam, cũng như tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế.
Tại hội thảo, PGS.TS. Trần Việt Dũng – Phó Hiệu trưởng, Trường ĐH Luật TPHCM nhận định, công trình xanh là một phần không thể thiếu trong cam kết toàn cầu về phát triển bền vững.
Tại Việt Nam, lĩnh vực xây dựng đang thúc đẩy các biện pháp xây dựng xanh, phản ánh cam kết của đất nước về tính bền vững và bảo vệ môi trường. Trường Đại học Luật TPHCM nhận thấy nhu cầu cấp thiết trong việc lồng ghép nội dung phát triển hoạt động xây dựng xanh với hoạt động nghiên cứu khoa học.
Từ những kinh nghiệm và nghiên cứu thực tế, bà Lưu Thị Thanh Mẫu - Phó chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất Động sản TP. HCM, Tổng giám đốc Phuc Khang Corporation, đề xuất cần ban hành một bộ công cụ đánh giá công trình xanh/dự án công trình xanh áp dụng riêng cho Việt Nam và quy định thẩm quyền đánh giá, cấp chứng nhận công trình xanh thuộc cơ quan xây dựng.
"Cần có quy định lộ trình bắt buộc thực hiện công trình xanh/dự án công trình xanh chuyển dần từ khu vực công sang khu vực tư nhân. Ngăn chặn tình trạng ứng dụng tùy tiện công trình xanh, giúp phát triển công trình xanh bài bản và nghiêm túc", bà Mẫu nhấn mạnh tại hội thảo.
ThS. Lưu Thị Thanh Mẫu - Phó Chủ tịch Hội Doanh Nhân Trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất Động sản TPHCM, Tổng giám đốc Phuc Khang Corporation phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: HCMULAW) |
Bên cạnh đó, bà Mẫu cho rằng, Việt Nam cần xây dựng thêm chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư công trình xanh: Cho vay với lãi suất ưu đãi; Nghiên cứu thưởng diện tích sàn ở một mức độ hợp lý; Bổ sung ưu đãi cho các chủ thể phát hành trái phiếu xanh. Tổ chức các giải thưởng liên quan công trình xanh nhằm tôn vinh đóng góp của các cá nhân, tổ chức.
Đồng quan điểm, PGS.TS. Lưu Quốc Thái - Khoa Luật Thương mại, Trường ĐH Luật TPHCM nhận định, sự tham gia chính thức từ phía cơ quan nhà nước là động lực, cơ chế để thúc đẩy và chuẩn hóa hoạt động đầu tư và cấp giấy chứng nhận đối với công trình xanh.
Trong đó, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm xây dựng pháp luật để giải quyết các vấn đề về: quy hoạch sử dụng đất cho công trình xanh; xây dựng, sử dụng năng lượng, sử thành phần và bảo vệ môi trường; xếp hạng, đánh giá, cấp giấy chứng nhận và kiểm định theo định kỳ và ưu đãi dự án công trình xanh.
PGS.TS. Lưu Quốc Thái, Trường Đại học Luật TPHCM phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: HCMULAW) |
Việt Nam có hơn 300 dự án công trình được công nhận đạt tiêu chuẩn xanh. Tuy nhiên, những hoạt động này vẫn còn tính tự phát vì thiếu một khuôn khổ pháp luật để chuẩn hóa, phát triển một cách chính thống.
"Trong tương lai, Việt Nam nên có một bộ luật về công trình xanh như các nước phát triển trên thế giới để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, vững chắc cho việc thực hiện các dự án công trình xanh”, ông Thái phát biểu.