Cơ chế này dựa trên thói quen và hành vi sống của từng loài.
Tắm khoáng nóng
Loài khỉ tuyết ở vùng núi Jigokudani, tỉnh Nagano, Nhật, thường ngâm mình trong các suối nước nóng để tránh rét. Ở dưới nước, chúng nằm lim dim và tận hưởng cảm giác thoải mái như cách con người đi sapa hay đi tắm suối nóng.
Người dân địa phương truyền miệng rằng ngày xưa, loài khỉ này không biết đến cách tránh rét trên. Một hôm, những quả táo rơi xuống suối nước nóng và một con khỉ đã mạnh dạn xuống nước để nhặt táo.
Cảm nhận nước ấm, nó thích thú ở lại để tận hưởng. Cứ như thế, các con khỉ khác đã làm theo. Ngoài ra, vào mùa Đông, chúng chỉ ăn táo và lúa mạch. Đây là một hành vi rất hiếm trong tự nhiên.
Đào hang
Trong khi con người chỉ cần mặc thêm áo len hoặc dùng máy sưởi, động vật hoang dã phải có chiến lược riêng cho từng loài để vượt qua những tháng mùa Đông. Lấy nhện làm ví dụ. Nhiều loài sống trên mặt đất ở Bắc Mỹ, như nhện sói, vượt qua mùa Đông bằng cách đào hang dưới đất, dưới lớp lá rụng hoặc bên trong khúc gỗ.
Vì nhện là động vật biến nhiệt và cơ thể không sản sinh ra nhiệt nên quá trình trao đổi chất của chúng chậm lại khi nhiệt độ giảm.
Nhiều loài nhện nhả tơ quanh túi trứng để tạo lớp cách nhiệt dày, chắc, giúp bảo vệ số trứng trong những ngày Đông rét buốt. Nhện con sau khi nở ra vẫn sẽ sử dụng “chiếc tổ” này làm nơi trú ngụ. Đơn cử, nhện vườn đen vàng đẻ trứng khi gió lạnh về và cuốn một lớp tơ thật chắc xung quanh túi trứng. Xuyên suốt mùa Đông, những con non ẩn náu trong túi trứng chờ mùa Xuân.
Một số loài nhện khác sở hữu vũ khí bí mật. Vào những đêm mùa Thu mát mẻ, chúng sản sinh ra một dạng chất chống đông để ngăn hơi lạnh ngấm vào trong cơ thể. Đây là cách giúp chúng tồn tại đến mùa Xuân mà không bị đóng băng.
Sóc chuột là thành viên họ sóc nhưng không giống như họ hàng đuôi rậm, chúng sẽ không ra ngoài vào mùa Đông. Chúng cũng không ngủ đông suốt cả mùa giống như loài chuột chũi cho đến khi mùa Xuân về.
Thay vào đó, những loài này sống trong hệ thống các hang, đường hầm và ổ phức tạp mà chúng xây dựng. Trong đó, chúng cất giữ hạt, hạt giống và thức ăn dự trữ khác.
Sóc chuột phương Đông ngủ đông, trong thời gian đó nhịp tim của chúng giảm từ 350 xuống còn một chữ số. Nhiệt độ cơ thể của chúng giảm từ 34 độ C xuống bằng nhiệt độ trong hang, tới 5 độ C. Nhưng chúng vẫn thức dậy sau vài ngày ngủ để ăn và đi vệ sinh.
Ngủ đông
Rùa di chuyển chậm chạp vào mọi mùa, nhưng khi mùa Đông đến, chúng thật sự giảm hoạt động. Một số loài như rùa hộp phương Đông chỉ đào hang dưới đất, rút vào trong mai và ngủ đông. Chúng sống sót bằng cách đốt cháy chất béo dự trữ.
Rùa sơn ngủ đông dưới nước, sau lớp bề mặt đóng băng. Vì nhiệt độ cơ thể của những loài động vật biến nhiệt này tương đương với nhiệt độ của nước xung quanh nên cái lạnh không phải là vấn đề.
Thông thường, những loài bò sát này hít thở không khí nhưng vào mùa Đông, chúng chuyển sang hấp thụ khí Oxy từ nước và thải ra CO2. Đây là tiến hoá của loài bò sát để chúng chống chọi qua mùa Đông. Vào mùa lạnh, động vật biến nhiệt không cần nhiều khí oxy nên lượng oxy trong nước đủ cho chúng sống sót qua mùa Đông.
Loài rùa trao đổi khí thông qua các mạch máu gần bề mặt da, niêm mạc miệng. Khi oxy cực kì khan hiếm, rùa thậm chí có thể trao đổi chất mà không cần oxy. Quá trình hô hấp hiếu khí như vậy sẽ gây tích tụ axit lactic nguy hiểm nhưng rùa có thể lấy canxi từ mai để trung hoà axit.
Nhiều loài động vật khác cũng “sống chậm” hơn vào mùa Đông. Gấu, nhím, sóc hầu như ngủ suốt mùa Đông trong chiếc tổ ấm áp và sử dụng thức ăn tích trữ từ trước đó.
Tạo nhiệt
Khi nhiệt độ giảm, ong mật châu Âu bay về tổ, tụ tập lại với nhau và hoạt động trong suốt những tháng mùa Đông dài. Ong thợ quây quần bên ong chúa rồi cùng nhau tạo nhiệt để giữ ấm. Chúng co và giãn đồng thời hai nhóm cơ giúp đập cánh khi bay để sản sinh ra nhiệt. Chúng không di chuyển, không bay và việc duy nhất làm là tạo nhiệt.
Ong chúa nằm ở giữa đàn là vị trí ấm áp, thoải mái nhất nhưng ngay cả những con ong thợ ở vòng ngoài cũng không lo bị đóng băng. Khi nhiệt độ xuống thấp hơn, chúng sẽ ép vào bên trong và nén chặt khu vực cần giữ ấm.
Chiến lược thành công vì được xây dựng dài hạn. Ngay từ những tháng mùa Hè nhiều hoa, ong đã sản xuất và lưu trữ hơn 40kg mật ong để duy trì tổ ong qua mùa Đông. Chúng chọn vị trí khôn ngoan, nằm hướng đến đỉnh của một hốc cây rỗng để tạo nên môi trường ấm áp.
Tương tự, vượn cáo là loài duy nhất có thể sống qua mùa Đông nhờ chiếc đuôi dài, ấm áp của chúng. Chúng sống bằng mỡ được tích trữ trong đuôi từ trước mùa Đông. Khi trời trở lạnh, chúng ẩn mình trong những thân cây rỗng. Nhiệt độ cơ thể của chúng giảm xuống, nhịp tim chậm lại từ 180 nhịp một phút xuống còn 4 nhịp. Chúng chỉ thở một lần sau 10 - 15 phút.