Động vật có thể tự chữa bệnh không?

GD&TĐ - Năm 1987, các nhà khoa học phát hiện con tinh tinh Chausiku ăn lá đắng để chữa bệnh đau bụng.

Tinh tinh biết dùng lá cây để chữa bệnh.
Tinh tinh biết dùng lá cây để chữa bệnh.

Đây không phải loài vật duy nhất biết sử dụng thực vật để điều trị bệnh.

Điều trị bệnh

Năm 1987 tại Tanzania, con tinh tinh Chausiku đã làm một điều khiến giới khoa học kinh ngạc. Một ngày nọ, họ phát hiện Chausiku nhai vỏ cây lá đắng, còn gọi là mật gấu, vốn không nằm trong chế độ ăn của loài này. Cây lá đắng là bài thuốc dân gian tại châu Phi, dùng để chữa sốt rét, đái tháo đường, các chứng bệnh ở đường tiêu hóa như chán ăn, kiết lỵ và rối loạn tiêu hóa.

Ông Michael Huffman, nhà nghiên cứu linh trưởng tại Đại học Kyoto (Nhật Bản), suy đoán Chausiku đang tự chữa bệnh vì nó uể oải, chán ăn trong nhiều ngày. Sau 22 giờ ăn lá đắng, Chausiku đã trở lại trạng thái khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng.

Các nhà khoa học khám và phát hiện Chausiku bị nhiễm giun sán ở ruột và việc ăn lá đắng là ghi chép khoa học về việc động vật tự dùng thuốc chữa bệnh.

Theo chuyên gia Huffman, các nhà khoa học chỉ có thể phỏng đoán dựa trên quan sát và đo lường kết quả của hành động đó. Ngoài ra, họ sẽ dựa vào các yếu tố sinh lý bẩm sinh như thèm một số hương vị nhất định hay một số hành vi xã hội như động vật nhận thấy cơn đau giảm sau một hành động nhất định nên lặp lại hành vi này. Do đó, ngày càng nhiều nhà khoa học tin rằng động vật, nhất là một số loài có họ hàng gần với con người, biết cách dùng thuốc chữa bệnh.

Năm 1993, nhà sinh vật học Michael Singer, Đại học Wesleyan (Mỹ), quan sát thấy loài sâu bướm gấu len gặm nhiều loài thực vật khác nhau. Đây là hành vi không giống sâu bướm vì loài này chỉ gặm một số loại lá cây nhất định.

Hóa ra, chúng bị nhiễm ký sinh trùng. Hành vi của loài sâu bướm không phải ngẫu nhiên mà có chủ đích. Cụ thể, chúng đang tìm kiếm những loại cây độc như cây cúc dại, có chứa độc tính ancaloit pyrrolizidine.

Ban đầu, Singer không tin sâu bướm đang chữa bệnh. Tuy nhiên, nghiên cứu đã chứng minh rằng, những con sâu bướm có 4 nụ vị giác và một nụ có thể cảm nhận được ancaloit pyrrolizidine và kích thích cho hóa chất này có vị ngon hơn.

Sâu bướm sẽ tìm ăn những lá có chứa độc tính này nếu bị nhiễm ký sinh trùng. Các thí nghiệm cho thấy sâu bướm ăn chất ancaloit pyrrolizidine có cơ hội sống sót cao hơn dù đây vẫn là độc tố nguy hiểm với những con khỏe mạnh.

Điều này khiến Singer nghĩ đến tác dụng phụ của thuốc đối với con người. Đây là lý do thuyết phục ông rằng động vật cũng sẽ tìm cách để chữa bệnh.

Còn loài khỉ mũ, sống ở Trung và Nam Mỹ, không muốn bị ngứa và lây nhiễm mầm bệnh từ ve, muỗi. Do đó, chúng sẽ bắt loài rết Orthoporus dorsovittatus, nghiền nát trong tay và phủ chất nhầy bên trong thân rết lên bộ lông của mình.

Hành vi này phổ biến vào những mùa mà muỗi hoạt động mạnh mẽ. Năm 2003, các nhà khoa học phát hiện loại chất nhầy trong người rết là benzoquinone, có tác dụng xua đuổi muỗi.

“Hành vi này không thể khẳng định loài khỉ biết chúng đang làm gì. Chúng làm vậy có thể chỉ vì cảm thấy dễ chịu nhưng chúng ta biết rằng hành vi này có thể chống lại vết đốt và nhiễm trùng”, nhà sinh vật học tiến hóa Jacobus De Roode, Đại học Emory (Mỹ), nói.

Năm 2022, các nhà khoa học phát hiện 19 trường hợp tinh tinh chăm sóc vết thương bằng cách nghiền nát côn trùng. Đơn cử, một con tinh tinh cái bắt một con côn trùng, đưa cho một con tinh tinh đực để con này bôi lên vết thương hở của một con đực khác.

Hành động này chưa chắc giúp vết thương nhanh chóng phục hồi mà có thể là một hành vi xã hội chung của loài tinh tinh. Nhưng xét đến tình trạng “bị thương”, đây có thể xem là một biện pháp tự chữa bệnh ở tinh tinh.

dong vat co the tu chua benh khong.jpg
Chim thành thị rải sợi thuốc lá vào ổ để phòng ngừa ve rận.

Phòng ngừa bệnh tật

Ngoài ra, các loài động vật cũng biết cách phòng ngừa bệnh tật. Ông Constantino de Jesús Macías García, nhà sinh thái học hành vi tại Đại học Nacional Anutónoma de México, phát hiện ra các loài chim tại Mexico thường dùng thuốc lá để làm tổ. Vì nicotine, chứa trong sợi thuốc lá, có tác dụng xua đuổi ký sinh trùng gây hại cho vườn. Các loài chim sẽ nhặt những mảnh vụn thuốc lá và rải xuống tổ của mình.

Dựa trên phát hiện trên nhóm của Constantino đã làm thí nghiệm với hơn 50 tổ chim sẻ nhà và chim sẻ địa phương. Kết quả những tổ có tàn thuốc lá hun khói có ít ve, chấy, rận hơn so với tổ không có tàn thuốc.

Cellulose là một chất nhựa khó phân hủy một cách tự nhiên, có khả năng xua đuổi sâu bọ.

Đây là hình thức phòng ngừa bệnh tật cho các loài chim thành thị. Thuốc lá được sử dụng thay cho các loại cây thơm mà những loài chim này có sẵn trong tự nhiên.

Tương tự, khi bướm chúa mắc nhiễm ký sinh trùng Ophryocystis elektroscirrha, chúng sẽ ăn các loại cây có chứa cardenolide, một độc tính để diệt trừ ký sinh trùng trong cơ thể. Ngoài ra, sau khi trở thành bướm chúa, nhiều con sẽ đẻ trứng trên những cây độc chứa cardenolide và khả năng trứng nhiễm bệnh sẽ giảm xuống.

“Chúng ta có thể tin rằng, những bà mẹ này đang tìm cách bảo vệ con. Hoặc chúng không hay biết mình bị nhiễm trùng và cơ thể của chúng khi nhiễm bệnh sẽ thích những loại cây đắng hơn”, ông De Roode cho biết.

Theo chuyên gia này, việc sử dụng thuốc trong thế giới động vật phổ biến hơn so với suy nghĩ của giới khoa học. Điều này chứng minh động vật sẽ luôn tìm cách để sinh tồn, không chỉ từ việc tìm kiếm thức ăn, săn mồi, mà còn nằm ở việc phòng tránh, điều trị bệnh. Và các loài thực vật sẽ mở ra cơ hội cho giới khoa học nghiên cứu về cách thức chăm sóc động vật trong tương lai.

Theo Nat Geo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ