Có thể vì họ nghĩ đó là một thứ kinh khủng nhưng nó lại là thức ăn phổ biến với nhiều loài động vật.
Nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng
Các nhà khoa học quan sát thấy hươu ăn phân voi châu Á, chó và vượn cáo ăn phân người còn kỳ nhông ăn phân dơi. Ở dãy núi Sierra de Guara, Tây Ban Nha, dê cái ăn phân chim trong khi tại rừng Đại Tây Dương, Brazil, chuột và thú có túi ăn phân của rái cá.
Theo một nghiên cứu ở Tanzania, các nhà khoa học nhận thấy kền kền thích ăn phân sư tử hơn là tử thi vì nó giàu protein hơn. “Con sư tử chưa đi xa hơn 10 m khỏi đống phân thì một số con kền kền trùm đầu đã lao xuống và nuốt trọn một cách nhanh chóng”, báo cáo viết.
Tại sao hành động ăn phân, còn gọi là coprophagy, lại phổ biến trong thế giới động vật như vậy? Phân không phải chất thải vô dụng mà thường chứa calo và chất dinh dưỡng giàu giá trị mà động vật chủ không thể hấp thụ.
Vì vậy, ăn phân có thể giúp động vật có thêm calo khi nguồn thức ăn thông thường của chúng bị hạn chế hoặc hấp thụ các chất dinh dưỡng khó có được trong chế độ ăn uống thông thường. Phân cũng chứa vi khuẩn đường ruột giúp tăng cường hệ tiêu hóa giống như một loại men vi sinh hoang dã.
Bà Hannah Rempel, nhà sinh thái học tại Đại học Texas, Mỹ, cho biết: “Phân có thể đóng nhiều vai trò trong thế giới động vật hoang dã. Mặc dù hành vi này có vẻ thô lỗ với con người nhưng rõ ràng đây là hành vi thực sự quan trọng với chúng”.
Nhiều loài thỏ rừng ăn phân của chúng để tiêu hóa thức ăn một lần nữa vì thức ăn ở dạng này vẫn giàu dinh dưỡng nhưng ở quá trình tiêu hóa đầu tiên, cơ thể chúng không hấp thụ được.
Khi nguồn thức ăn khan hiếm, một số loài phải tìm đến phân. Ví dụ, trong những ngày hè ngắn ngủi ở Svalbard (Na Uy), tuần lộc ăn phân ngỗng. Vào mùa Đông, thỏ pika sống ở cao nguyên Tây Tạng ăn phân bò yak mà người dân nuôi trong nhà.
Ông Xavier Lambin, nhà sinh thái học tại Đại học Aberdeen, Anh, cho biết khả năng cao vì những lý do tương tự mà loài cáo đỏ ở Công viên quốc gia Cairngorms, Scotland, thường xuyên ăn phân của những con chó đi dạo qua khu vực này.
Bằng chứng là có ADN của chó trong phân cáo. Nghiên cứu của ông và các đồng nghiệp cho thấy phân cáo chứa nhiều ADN của chó nhất là trong giai đoạn nguồn thức ăn thường xuyên của chúng, là chuột đồng, trở nên khan hiếm.
Kết quả phân tích cho thấy phân chó rất bổ dưỡng, có hàm lượng calo tương tự món gà nấu chín. Nhờ vậy, thay vì phải trải qua những ngày đói kém, loài cáo có thể sống ổn định nhờ phân chó.
Bổ sung lợi khuẩn
Tình huống trên cũng được ghi nhận trong môi trường biển. Khi lặn qua các rạn san hô xung quanh Bonaire, vùng biển Caribe, nhà sinh thái học Rempel chứng kiến cá đuôi gai và cá vẹt lao về phía những viên phân trôi xuống từ đàn cá thia nâu. Việc những con cá nhỏ hơn đuổi theo phân của những con cá lớn cũng được ghi nhận ở một số rạn san hô ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Cá đuôi gai và cá vẹt thường ăn tảo nhưng nguồn thức ăn này nghèo các chất dinh dưỡng vi lượng cần thiết cho sự sống như canxi, phốt pho và kẽm. Tảo cũng ít protein. Chúng chỉ có thể hấp thụ protein từ một số vi khuẩn lam và mảnh vụn bám trên tảo.
Trong khi đó, cá thia nâu, loài ăn sinh vật phù du, thải ra phân giàu protein cũng như các chất dinh dưỡng vi lượng. Những viên thức ăn này giống như một loại thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, hay còn gọi là “vitamin biển” dành cho cá.
Theo ông Barbara Drigo, nhà sinh thái học vi khuẩn tại Đại học Nam Australia, nhiều loài chim ăn phân vì các vi khuẩn đường ruột có lợi. Giả thuyết này có cơ sở từ kỹ thuật ghép phân (FMT) trong điều trị bệnh viêm ruột, trong đó, chuyển giao các vi sinh vật trong phân từ những người hiến tặng khoẻ mạnh sang những cá nhân mắc một số bệnh nhất định.
Chuyên gia Drigo tin rằng một số loài chim di cư, khi đến một khu vực mới, có thể tiêu thụ phân của loài chim địa phương để hấp thụ vi khuẩn đường ruột có lợi. Điều này giúp chúng tiêu hóa thức ăn từ môi trường mới hiệu quả hơn. Những chú chim non Á - Âu thường ăn phân của bố mẹ để bổ sung vi khuẩn cần thiết cho việc hấp thụ nguồn thức ăn địa phương.
Nghiên cứu cho thấy những con đà điểu được ăn phân của bố mẹ có hệ vi khuẩn đường ruột đa dạng hơn và trưởng thành nhanh hơn so với những con được nuôi không có phân. Ở độ 8 tuần tuổi, những con chim ăn phân nặng hơn gấp 10% và ít có khả năng chết vì bệnh đường ruột.
“Việc cho hệ miễn dịch tiếp xúc với nhiều loại vi khuẩn đường ruột có lợi cho sức khoẻ. Nhìn chung, những loài chim ăn phân khoẻ mạnh hơn rất nhiều so với những loài không”, ông Drigo nhấn mạnh.
Tuy nhiên, việc ăn phân cũng đi kèm rủi ro. Ví dụ, phân chim có thể chứa các hóa chất nguy hiểm từ nước thải, thuốc trừ sâu hoặc các hợp chất có hại khác do người tạo ra. Ăn phân cũng có thể khiến động vật mắc bệnh, nhiễm ký sinh trùng đường ruột hoặc vi khuẩn có hại.
Dù vậy, khi nhắc đến các mối đe dọa tự nhiên, lợi ích của việc ăn phân có thể lớn hơn rủi ro. Hệ tiêu hóa của động vật khoẻ mạnh và chống chọi tốt hơn với bệnh tật, ký sinh trùng và vi khuẩn có hại so với hệ tiêu hóa của con người.