Thí sinh Hàn Quốc chật vật vì đề thi khó

GD&TĐ - Tuần qua, nửa triệu thí sinh Hàn Quốc đã tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học Suneung.

Thí sinh Hàn Quốc tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học Suneung năm 2023.
Thí sinh Hàn Quốc tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học Suneung năm 2023.

Đây là năm đầu tiên kỳ thi không sử dụng những câu hỏi ngoài sách giáo khoa, độ khó cao nhằm giúp học sinh giảm áp lực từ học thêm tư nhân.

Trước kỳ thi, nhiều thí sinh hy vọng đề thi sẽ “dễ thở” hơn khi không còn các câu hỏi “sát thủ”. Tuy nhiên, theo thí sinh và chuyên gia, mỗi môn thi có khoảng 5 câu hỏi có độ khó tương đương với câu hỏi “sát thủ” trong những năm trước.

Đơn cử, nhiều thí sinh cho rằng câu hỏi tiếng Anh yêu cầu chọn đáp án đúng từ 5 đáp án là việc cực kỳ khó khăn vì văn bản không cung cấp đủ thông tin để suy luận. Thí sinh sẽ phải suy luận nhiều hơn là đọc hiểu văn bản.

Theo Hiệp hội Cố vấn Đại học và Hướng nghiệp quốc gia, không học sinh trung học nào đạt điểm tối đa sau khi tự chấm điểm bài làm của mình. Thí sinh có thể tự chấm điểm ngay sau khi làm bài thi dựa trên đáp án do Viện Chương trình và Đánh giá Hàn Quốc công bố.

Nhiều chuyên gia lo ngại học sinh vẫn sẽ tìm đến các trung tâm dạy thêm tư nhân để học cách giải quyết những câu hỏi khó, vượt quá kiến thức được dạy trong trường phổ thông.

Ông Lim Seong-ho, Giám đốc Học viện Jongno, một trong những cơ sở giáo dục tư nhân lớn nhất Hàn Quốc, cho rằng dù đề thi chỉ xoay quanh chương trình trong sách giáo khoa nhưng cách hỏi ngày càng phức tạp. Do đó, học sinh sẽ tiếp tục học thêm để rèn luyện kỹ năng giải quyết các câu hỏi này.

“Ví dụ, học sinh phải giải mỗi bài toán trong 2 - 3 phút nhưng các giáo viên ở trung tâm luyện thi cho rằng điều đó là không thể”, ông Lim cho hay.

Còn ông Choi Soo-il, Giám đốc Trung tâm Đổi mới Giáo dục Toán học tại No Worry Education, cho rằng các câu hỏi trong đề thi được triển khai theo dạng mới nhưng độ khó không suy giảm. Vì vậy, học sinh sẽ tiếp tục đến các trung tâm luyện thi vì Suneung là kỳ thi quan trọng, quyết định thành bại của một người.

Trước đó trong một buổi họp báo về kỳ thi, Ủy ban Tổ chức Suneung cho biết, các câu hỏi trong đề thi chỉ xoay quanh kiến thức trong chương trình phổ thông. Những thí sinh nào chuẩn bị tốt và nắm chắc kiến thức có thể đạt điểm cao.

Đại diện Ủy ban cũng cho biết đề thi năm nay sẽ có độ khó phù hợp nhằm xác định năng lực, kiến thức của học sinh và phân loại trình độ của học sinh. Ủy ban hạn chế sử dụng những dữ liệu có trình độ kiến thức cao hoặc câu hỏi có nhiều biến số khiến thí sinh phải mất nhiều thời gian suy đoán.

Khoảng 50% nội dung đề thi do đội ngũ giáo viên của EBS, kênh truyền hình giáo dục quốc gia, sản xuất.

Loại bỏ câu hỏi “sát thủ” khỏi đề thi đại học là một phần trong kế hoạch của chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol nhằm giảm sự phụ thuộc của học sinh, phụ huynh vào giáo dục tư nhân. Theo dữ liệu của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc và Bộ Giáo dục, năm 2022, người Hàn Quốc chi kỷ lục 26 nghìn tỷ won cho giáo dục tư nhân, trong đó, học thêm tiếng Anh chiếm tỷ lệ cao nhất.

Cụ thể, một cuộc khảo sát do EBS thực hiện trên 2.764 thí sinh cho thấy, khoảng 85,9% thí sinh đánh giá tổng thể đề thi là khó. Ở môn Tiếng Hàn, 64,5% thí sinh đánh giá đề thi “rất khó” còn 23,2% cảm thấy “khó vừa phải”. Khoảng 38,2% thí sinh đánh giá đề thi tiếng Anh “rất khó”, còn số lượng này ở môn Toán là 32,1%.

Theo Korea Herald

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ