Ngoài ra, có 14 địa phương vừa kết hợp dạy học trực tuyến, trực tiếp và qua truyền hình. Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh chương trình giáo dục phổ thông, trong đó xác định các nội dung cốt lõi, đảm bảo chuẩn tối thiểu của môn học.
Theo phụ lục Công văn số 4040/BGDĐT-GDTrH thì gần như các môn học ở cấp THCS và THPT đều giảm tải theo nguyên tắc giữ lại yêu cầu cần đạt với mỗi môn học, lớp học; không yêu cầu học sinh thực hiện các nội dung nâng cao, trùng lặp giữa các môn học, nội dung đã quá cũ. Chính vì thế, mỗi môn học đều được giảm nhiều bài học hoặc một số đơn vị kiến thức được giảm tải. Chưa kể, nhiều bài học được tích hợp thành các chủ đề, hoặc tích hợp một số đơn vị kiến thức ở bài học ban đầu thành một bài giảm tải.
Một số nội dung chuyển sang yêu cầu học sinh tự học, tự làm. Trong khi đó, số tiết học của mỗi môn học là không đổi. Đây là chìa khóa mở giúp giáo viên giảm bớt áp lực khi dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình. Nhiều bài học trước đây được biên chế thành 1 - 2 tiết bây giờ được bố trí 3 - 4 tiết trong khi chỉ dạy cho học sinh những kiến thức trọng tâm, cốt lõi nhất.
Dù với sự hỗ trợ của các phần mềm dạy học trực tuyến hiện đại nhất, học sinh tương tác với giáo viên và bạn cùng lớp theo thời gian thực thì khoảng cách giữa thầy cô với học sinh vẫn khác xa trên lớp. Môi trường sư phạm thay đổi, kỷ luật lớp học, sự tập trung của học sinh đều khác. Nếu thầy cô muốn giảng dạy như trên lớp học bình thường thì đúng là một việc làm không thể. Việc Bộ GD&ĐT tiếp tục tinh giản, điều chỉnh nội dung dạy học để phù hợp với bối cảnh dịch bệnh hiện nay là cần thiết, tạo sự đồng nhất về mặt bằng kiến thức cốt lõi cũng như yêu cầu cần đạt ở mỗi môn học/lớp học trên phạm vi cả nước.
Với dạy học đảm bảo các nội dung cốt lõi, giáo viên có thêm thời gian để tương tác với học sinh thông qua những trò chơi để nắm chắc kiến thức. Những tiết học trực tuyến vì vậy không còn buồn tẻ, đơn điệu hay nặng nề đối với học sinh. Thậm chí, với việc dạy học tương tác ngay trên máy tính, giáo viên có cơ hội giới thiệu cho học sinh những bài tập vận dụng được biểu diễn dưới dạng mô phỏng thực tế thông qua hình họa, biểu đồ, sơ đồ mà khi dạy học trực tiếp, khó có điều kiện để triển khai do phòng học thiếu phương tiện, thiết bị…
Cùng với việc tinh giản chương trình giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT cũng trao quyền chủ động cho các trường học trong áp dụng hình thức dạy học linh hoạt như tổ chức dự án học tập, dạy học tích hợp liên môn, theo chủ đề. Khi học sinh trở lại trường, có thể tổ chức ôn tập, hệ thống lại kiến thức cũng như hoạt động giáo dục cho các em trải nghiệm, thực hành, vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề thực tiễn thông qua dự án học tập, nghiên cứu. Đây đồng thời cũng là cơ hội để các trường triển khai kế hoạch dạy học linh hoạt và áp dụng hình thức dạy học tích cực, phù hợp với mục tiêu đổi mới giáo dục.