Tại Đông Nam Á, sự thành công trong cuộc chiến chống dịch cần phải thích nghi với diễn biến nhanh của Covid-19.
Chiến lược chống Covid-19 với những cuộc đua
Trong môi trường liên tục thay đổi, các chiến lược đối phó với đại dịch cũng phát triển. Ban đầu, chiến lược thích hợp là ngăn chặn bằng cách sử dụng lệnh cấm đi lại, kiểm soát biên giới hoặc kết hợp cả 2.
Khi hàng rào phòng thủ trên bị phá vỡ, một cuộc chạy đua để làm phẳng đường lây nhiễm bằng cách làm chậm sự lây lan trong cộng đồng thông qua giãn cách xã hội và phong tỏa đã diễn ra.
Khi các loại vắc xin đã có sẵn, việc phong tỏa trở nên không bền vững và tổn hại nền kinh tế, cuộc đua tiêm chủng cho cộng đồng xuất hiện.
Hiện tại, với biến thể Delta, có thể thấy thậm chí tỷ lệ tiêm chủng cao cũng không hoàn toàn ngăn chặn được sự lây lan trong cộng đồng thành thị đông đúc, trừ khi nó được kết hợp với tiêm chủng tăng cường và một số mức độ miễn dịch cộng đồng.
Tiêm chủng được cho là làm giảm tỷ lệ mắc bệnh nghiêm trọng và tử vong khi mắc Covid-19. Khi việc tiêm chủng đầy đủ được thực hiện, cuộc đua hiện tại là mở cửa lại nền kinh tế và sống chung với virus ở mức độ mà hệ thống y tế có thể đối phó.
Singapore hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới. Tỷ lệ tử vong trên 100.000 dân (tính đến 12/10) ở các quốc gia có hệ thống y tế cùng quy mô như Thụy Điển là 144,91 hay Israel 87,48 cao hơn hàng chục lần so với Singapore là 2,84. Ngay cả một quốc gia đã phong tỏa với một số biện pháp kiểm soát du lịch như Đan Mạch cũng có tỷ lệ tử vong là 45,90.
Tỷ lệ tử vong vì đại dịch
Brunei cũng dường như mất kiểm soát sau khi biến thể Delta xuất hiện. Với 64 người tử vong trong dân số nhỏ của mình, tỷ lệ ca tử vong trong cộng đồng ở đây đã tăng lên 14,77/100.000 người.
Tương tự, Campuchia có được thành công ban đầu với dân số trẻ và chương trình tiêm chủng thành công. Nước này có tỷ lệ tử vong 15,20 trên 100.000 do biến thể Delta.
Chỉ có Lào, với dân số trẻ và ít đô thị hóa nên ít bị ảnh hưởng bởi biến thể Delta. Nước này đã cố gắng giữ tỷ lệ tử vong ở mức 0,35/100.000.
Thái Lan và Malaysia nằm trong nhóm trung bình của các nước Đông Nam Á trong việc đối phó với Covid-19. Hiện chương trình tiêm chủng của Thái Lan bắt đầu chậm chạp do các vấn đề về nguồn cung vắc xin. Mặc dù đã cố gắng, nước này vẫn tụt hậu với khoảng 33% dân số được tiêm đầy đủ và 50% được tiêm ít nhất 1 liều. Tỷ lệ tử vong ở nước này ở mức tương đối thấp là 25,41/100.000.
Mặt khác, Malaysia đã chứng kiến làn sóng dịch mạnh mẽ, đẩy tỷ lệ tử vong lên 84,54/100.000 người – cao nhất trong khu vực. Nước này phải vật lộn để kiểm soát sự tấn công dữ dội của biến thể Delta do mâu thuẫn nội bộ chính trị và không nhất quán trong thông điệp chính sách.
Tình trạng phong tỏa kéo dài cũng gây ra khó khăn trên diện rộng đối với các nhóm thu nhập thấp ở đây, khiến các nhóm thiện nguyện phải cung cấp nhu yếu phẩm cho các gia đình đang tuyệt vọng.
Indonesia là tâm chấn toàn cầu của Covid-19 trong một thời kỳ khi số ca mắc hàng ngày của nước này tăng vọt. Với nhiều hành động ở cấp thành phố và việc tiêm chủng được tăng cường, tỷ lệ tử vong chính thức ở nước này là 52,71/100.000