Cuộc đua chế thuốc trị Covid-19 trên thế giới

GD&TĐ - Trong bối cảnh về khả năng quét sạch dịch Covid-19 bằng tiêm chủng và miễn dịch cộng đồng dường như xa vời, nhiều hãng dược phẩm trên thế giới đã tham gia vào cuộc đua chế thuốc trị.

Merck có kế hoạch nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc kháng virus molnupiravir của mình ở Mỹ vào cuối năm 2021
Merck có kế hoạch nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc kháng virus molnupiravir của mình ở Mỹ vào cuối năm 2021

Cá thử nghiệm lâm sàng đối với thuốc trị Covid-19 đã bắt đầu diễn ra trên khắp thế giới khi các công ty dược phẩm tìm một cách đơn giản hơn, chi phí thấp hơn để điều trị cho bệnh nhân và giúp kiểm soát đại dịch.

Hãng dược phẩm Merck có trụ sở tại Mỹ đang làm việc với công ty khởi nghiệp Ridgeback Biotherapeutics về một phương pháp điều trị kháng virus đường uống có tên là molnupiravir. Một thử nghiệm giai đoạn 3 cuối cùng cho loại thuốc này hiện đang được tiến hành trên toàn thế giới, gồm cả Nhật Bản. Kết quả thử nghiệm có thể được đưa ra sớm nhất vào tháng 10.

Merck có kế hoạch xin phép sử dụng khẩn cấp molnupiravir ở Mỹ vào cuối năm nay và có thể làm điều tương tự ở Nhật Bản 1 hoặc 2 tháng sau đó.

Molnupiravir ban đầu được phát triển để điều trị bệnh cúm, nhưng được coi là cũng có hiệu quả để chống lại virus corona. Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ đã ký một thỏa thuận mua 1,7 triệu liều với giá 1,2 tỷ USD và Merck đang chuẩn bị sản xuất 10 triệu liều vào cuối năm nay.

Pfizer đang phát triển 2 loại ứng cử viên kháng virus, một loại uống và một loại tiêm tĩnh mạch, dựa trên phương pháp điều trị được phát triển cho hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng hoặc SARS bùng phát vào năm 2002.

Việc cấp phép sử dụng khẩn cấp giúp Mỹ tạm thời cung cấp các phương pháp điều trị chưa được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) phê duyệt để ứng phó với đại dịch, khủng bố sinh học và các trường hợp khẩn cấp để sức khỏe cộng đồng khác. Quá trình này mất khoảng 3 tuần, trái ngược với quá trình sàng lọc kéo dài từ 6 đến 12 tháng để được FDA chính thức phê duyệt. Khi đó các cơ quan chức năng có thể rút lại sự cho phép nếu phát sinh lo ngại về tính an toàn và hiệu quả.

Nhật Bản có một khuôn khổ tương tự, cho phép sử dụng khẩn cấp các loại dược phẩm chưa được phê duyệt trong nước nhưng đang được sử dụng tại Mỹ, Anh và các nước khác áp đặt các tiêu chuẩn tương tự đối với thuốc.

Nhật Bản mất khoảng 2 tháng để sàng lọc dược phẩm để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Nếu Mỹ cho phép các phương pháp điều trị của Merck và Pfizer để sử dụng khẩn cấp vào cuối năm nay, các phương pháp này cũng có thể có sẵn ở Nhật Bản chậm nhất vào đầu năm 2022.

Các phương pháp điều trị hiện tại chống lại virus corona bao gồm một loại cocktail kháng thể hướng đến những bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ nhưng được coi là có nguy cơ cao. Nhưng loại cocktail này cần được truyền qua đường tĩnh mạch và một đợt điều trị có thể mất từ 3-4 giờ.

Chi phí là một vấn đề khác. Thuốc Ronapreve của hãng Regeneron Pharmaceuticals và Roche có giá 2.100 USD mỗi liều. Mức giá cao có nghĩa là việc sử dụng nó hầu như chỉ giới hạn ở những khu vực tương đối giàu có với một tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe nhất định.

Các phương pháp điều trị qua đường uống như Tamiflu có thể thay đổi cuộc chơi, vì chúng có thể dễ dàng được kê đơn và sử dụng cho những người bị bệnh tại nhà.

Do thuốc kháng virus hoạt động bằng cách ngăn chặn virus sinh sôi nên chúng được kỳ vọng sẽ có hiệu quả chống lại các biến thể khác nhau. Chúng cũng có thể được bào chế bằng công thức hóa học, có nghĩa là chúng có thể được sản xuất tại các nhà máy dược phẩm hiện có và với chi phí bằng 1/10 hoặc thấp hơn chi phí điều trị bằng kháng thể.

Cho đến nay, thế giới đã có hơn 233 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 4,7 triệu ca tử vong. Các nỗ lực tiêm phòng đang tiến triển ở các nước phát triển với hơn 60% người Mỹ và châu Âu được tiêm ít nhất một mũi. Khoảng 60% người Nhật được tiêm ít nhất 1 liều và hơn 50% nhận được 2 liều thuốc.

Theo Asia Nikkei

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) trong giờ dạy môn Khoa học tự nhiên.

Giúp dạy học hiệu quả môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, các nhà trường đã rút ra những kinh nghiệm để triển khai dạy học hiệu quả môn tích hợp, nhất là môn Khoa học tự nhiên.